Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường: Nhiều ý kiến trái chiều

Đề xuất bổ sung nước giải khát có đường với hàm lượng từ 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất là 10% đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các bộ, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã đưa vào chương trình thảo luận về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội cũng như giới chuyên gia đối với dự án luật này là nội dung bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Gây hiểu lầm về béo phì, tạo sự bất bình đẳng giữa các ngành hàng

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Lê Thị Song An (Long An) đề nghị Ban soạn thảo xem xét kỹ lưỡng chính sách này, bởi qua nghiên cứu Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, đại biểu nhận thấy hiệu quả của việc áp thuế 10% lên nước giải khát có đường trong việc hạn chế, hoặc giảm tỷ lệ béo phì chưa được nghiên cứu toàn diện.

Nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường (Ảnh minh họa)

Nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường (Ảnh minh họa)

Dẫn kết quả một số nghiên cứu, đại biểu phân tích, thực phẩm chứa đường (bao gồm cả đồ uống, bánh kẹo, kem...) cung cấp trung bình 3,6% tổng năng lượng tiêu thụ đưa vào cơ thể. Việc áp thuế này có thể chỉ giảm được một lượng rất nhỏ, khoảng từ 0,1% đến 0,2% lượng năng lượng nạp vào cơ thể. Ngoài ra, tỷ lệ béo phì còn có nguyên nhân do sử dụng các thức ăn nhanh, ít vận động của lứa trẻ, chế độ ăn uống, hoạt động thể chất...

Bà Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho rằng, đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ riêng đối với mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam không những chưa bao quát đầy đủ nhiệm vụ Chiến lược dinh dưỡng đã đặt ra mà còn có thể gây tác động ngược ở 2 khía cạnh, đó là tác dụng ngược với nhận thức của người tiêu dùng và có thể sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các ngành hàng.

Theo nữ đại biểu, thực tế hiện nay, nhiều người tiêu dùng chưa nhận thức được rằng hàm lượng đường trong một số đồ uống có đường như: Nước ép hoa quả, sản phẩm từ ca-cao, sữa và thực phẩm dinh dưỡng dạng lỏng còn cao hơn nước giải khát.

Do đó, sắc thuế sẽ dễ gây hiểu lầm từ phía người tiêu dùng rằng chỉ cần không dùng nước giải khát có đường thì sẽ không bị bệnh thừa cân, béo phì.

Người tiêu dùng có thể vẫn chọn lựa các sản phẩm đồ uống có lượng đường cao như: Nước ép, sản phẩm ca-cao, sữa và thực phẩm dạng lỏng với mục đích dinh dưỡng, như vậy sẽ không thể đạt được mục tiêu sức khỏe là giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì.

Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ tiến hành nghiên cứu tổng thể và đánh giá tác động kỹ lưỡng để xác định đúng, đủ các sản phẩm đồ uống có đường bao gồm: Nước ngọt có ga hoặc không có ga; nước ép và đồ uống từ trái cây/rau củ, chất cô đặc dạng bột và lỏng; nước có pha chế hương liệu; nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao; trà pha sẵn, cà phê pha sẵn, đồ uống sữa có pha chế hương liệu cần phải áp thuế tiêu thụ đặc biệt để có thể thực hiện được đầy đủ nhiệm vụ đã được đặt ra trong Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng và khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Tác động tới 25 ngành hàng, làm sụt giảm khoảng 0,448% GDP

Các nghiên cứu, trong đó có nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đã chỉ ra rằng nếu áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước giải khát thì thu ngân sách từ thuế gián thu (thuế tiêu thụ đặc biệt) năm đầu tiên (2026) sẽ tăng khoảng 8.507 tỷ đồng, nhưng thu ngân sách từ thuế trực thu sẽ giảm khoảng 2.152 tỷ đồng.

Từ năm 2027 trở đi, tổng thu ngân sách từ cả thuế gián thu và thuế trực thu dự kiến sẽ giảm trung bình 0,495% mỗi năm, tương ứng ước tính giảm khoảng 4.978 tỷ đồng/năm. Điều này dẫn tới giảm giá trị tăng thêm, giảm giá trị sản xuất, giảm lợi nhuận doang nghiệp, kéo theo làm giảm tổng nguồn thu ngân sách ở các chu kỳ sau.

Bên cạnh đó, báo cáo đánh giá việc áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt này sẽ không những tác động trực tiếp lên ngành đồ uống, mà còn tác động lan tỏa tới 25 ngành trong nền kinh tế và dẫn đến sụt giảm khoảng 0,448% GDP, tương ứng 42.570 tỷ đồng. Do vậy, CIEM đề xuất chưa áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường.

Nếu áp dụng mức thuế cao hơn (ví dụ 40%) thì tác động đối với các doanh nghiệp trong ngành cũng như các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nước giải khát sẽ lớn hơn và thu ngân sách cũng sẽ giảm khi doanh thu thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp từ các doanh nghiệp này giảm do lượng tiêu thụ nước giải khát ít hơn trước.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực phân tích, toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm 8,8% tổng thu ngân sách Nhà nước. Nếu tăng thu 2.400 tỷ đồng từ áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường cũng chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, chỉ dưới 2% trong tổng thu thuế mỗi năm. Trong khi đó, giả sử việc đánh thuế sẽ điều chỉnh hành vi khiến tiêu thụ nước giải khát có đường giảm, như vậy số thu 2.400 tỷ đồng chắc chắn sẽ không đạt. Chưa kể, để thu đúng, thu đủ số thuế này cũng là vấn đề không đơn giản bởi không loại trừ tình trạng lách thuế.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu trên phạm vi toàn cầu cho thấy việc đánh thuế đường chưa chắc là giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề thừa cân, béo phì. TS. Cấn Văn Lực chỉ ra rằng, hơn 20 quốc gia đã áp dụng chính sách này trong giai đoạn từ năm 2016 - 2024, nhưng tình trạng thừa cân, béo phì vẫn không có dấu hiệu cải thiện, như Mỹ từ 42,1% lên 42,7% và Brunei từ 14,1% lên 23,2%. Trong khi đó, 65 quốc gia chưa đánh thuế đường lại ghi nhận xu hướng giảm, bao gồm Trung Quốc và Indonesia.

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật xem xét lại một cách toàn diện về đề xuất bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế. Vì hiện nay còn nhiều ý kiến trái chiều từ các cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia cũng như người tiêu dùng.

P.V

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/de-xuat-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-nuoc-giai-khat-co-duong-nhieu-y-kien-trai-chieu-721195.html