Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt có hàm lượng đường trên 5gram trong 100ml
Trong dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5 gram trong 100ml, mức thuế suất dự kiến là 10%.
Nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) gồm nước giải khát có ga, chứa chè, cà phê, nước trái cây; nước uống tăng lực, điện giải, nước uống thể thao. Sữa và sản phẩm từ sữa không chịu thuế do là sản phẩm dinh dưỡng. Tương tự, nước khoáng thiên nhiên, đóng chai; nước rau quả và nectar (mật) rau, quả và sản phẩm từ cacao cũng không bị áp thuế.
Lý giải về ngưỡng chịu thuế 5 gram trong 100ml, Bộ Tài chính cho biết nhiều nước áp thuế với nước ngọt theo hàm lượng này như một số nước EU. Nhưng cũng có quốc gia chọn ngưỡng cao hơn, như Pháp đánh thuế với hàm lượng trên 11 gram trong 100ml; Ailen và Anh theo hai ngưỡng: 5-8 gram chịu một mức thuế và trên 8 gram sẽ cao hơn 1,5 lần.
Bộ Tài chính ước tính thu thêm khoảng 2.400 tỷ đồng một năm. "Việc tăng thuế và giá sẽ góp phần giảm béo phì, tiểu đường và tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm khác trong tương lai, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từ đó, hệ thống y tế, bệnh viện cũng được giảm áp lực, quá tải", Bộ Tài chính giải thích.
Bộ Tài chính cũng tính toán rằng giá nước ngọt có thể tăng 10% khi chịu thuế tiêu thụ đặc biệt mức tương ứng. Đặc biệt áp thuế sẽ làm giảm sản lượng, doanh thu, lợi nhuận của các công ty sản xuất, nhập khẩu mặt hàng này trong thời gian đầu nhưng sẽ khuyến khích doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe người tiêu dùng; Đồng thời người tiêu dùng chuyển sang dùng sản phẩm thay thế hoặc loại ít đường, tốt hơn cho sức khỏe.
Theo nhận xét của các chuyên gia, việc đánh thuế trên hàm lượng đường là phù hợp, nhằm đảm bảo mục tiêu điều tiết vĩ mô, giúp người dân ý thức hạn chế dùng sản phẩm không tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, phương án này minh bạch, công bằng với doanh nghiệp trong ngành đồ uống.
Tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp vẫn còn nhiều băn khoăn. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty Tân Quang Minh (Bidrico), nhận xét nước giải khát có đường hay đồ uống có đường có đối tượng tiêu thụ đa số là tầng lớp bình dân.
Việt Nam với 65% lao động ở nông thôn, chính sách áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước giải khát có đường là “đánh” vào 65% người nghèo.
Ngoài ra, ông Hiến cho rằng nếu tăng thuế 10%, doanh nghiệp cũng không dám tăng giá thành sản phẩm thêm 10% bởi người tiêu dùng sẽ “quay lưng” với sản phẩm. “Sẽ có người tiêu dùng giảm uống nhưng có người sẽ bỏ hẳn nên tăng thuế không theo lý thuyết giảm tiêu thụ tương ứng mà có thể giảm đến 20%, thậm chí 50%”, ông Hiến nói.
Dẫn chứng thêm, Tổng giám đốc Bidrico cho hay: “Trước đây, một số sản phẩm của Bidrico đã điều chỉnh công thức và công bố cho người tiêu dùng biết đây là sản phẩm giảm đường. Nhưng khi phân phối sản phẩm ra thị trường, khách hàng không chấp nhận, trả lại hàng hóa..,, tức thì trong một tuần, công ty phải thu hồi và quay lại với phương thức cũ. Mặt khác, chúng tôi tiến hành đăng ký công bố lại sản phẩm, làm lại nhãn mác. Ngoài tuyên truyền, đính chính mất hơn một tháng mới ổn định lại thị phần”, ông Hiến chia sẻ.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Công ty cà phê trái cây Meet More Nguyễn Ngọc Luận cho rằng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10% là quá cao, thuế chồng thuế gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh thị trường ảm đạm. Vì vậy, ông Luận đề xuất chỉ nên áp thuế 5% là phù hợp.
Chia sẻ về tác hại của đồ uống có đường tại một hội thảo được tổ chức mới đây, TS. Angela Pratt, Trưởng đại điện văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết đã có bằng chứng cho thấy tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, sâu răng và góp phần khiến mọi người thừa cân và béo phì. Đây là những vấn đề sức khỏe quan trọng, thậm chí tiêu thụ đồ uống có đường có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, kể cả gây ra ung thư.
WHO khuyến cáo rằng việc tiêu thụ "đường tự do", đó là bất kỳ loại đường nào được thêm vào thực phẩm hoặc đồ uống nên được giới hạn ở mức dưới 10% tổng năng lượng và lý tưởng là dưới 5%, tương đương khoảng 25 gram/ngày cho một người trưởng thành trung bình. Thế nhưng, một lon Coca Cola thông thường chứa tới 36 gram đường, cao hơn lượng đường giới hạn nên uống trong một ngày.
Hiện nay, ngành nước giải khát ở Việt Nam đang có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư, với sự tham gia của hàng loạt doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước như Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Công ty TNHH Red Bull, Coca-Cola Việt Nam, Suntory Pesico…
Theo thống kê của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), doanh thu của ngành mỗi năm đạt tới trên 200.000 tỷ đồng, đóng góp gần 60.000 tỷ đồng hàng năm cho ngân sách Nhà nước.