Đề xuất bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sau 12 năm

Tại Hội thảo góp ý cho dự án Luật Việc làm, ngày 8-4, nhiều đại biểu đề xuất cho phép bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng (tương đương 12 năm) để đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Tại Hội thảo góp ý cho dự án Luật Việc làm, ngày 8-4, bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM, đề nghị các đại biểu bám sát tình hình thực tiễn, tập trung đóng góp những ý kiến thiết thực, sát với thực tế nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

 Bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM.

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM.

“Các ý kiến sẽ được Đoàn ĐBQH TP.HCM ghi nhận, tổng hợp và đề xuất trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 sắp tới” - bà Trân nói.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Nội vụ) cho biết theo quy định tại Điều 44 của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng gần nhất, trước khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc.

"Tuy nhiên, mức hưởng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố, áp dụng tại tháng cuối cùng người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Về thời gian hưởng, dự thảo quy định: Cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng bảo hiểm thất nghiệp thì được hưởng 3 tháng trợ cấp; sau đó, cứ đóng thêm đủ 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp, nhưng tối đa không quá 12 tháng. Đáng chú ý, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng sẽ không được bảo lưu" - bà Trúc nói.

Theo bà Trúc, dự luật cần điều chỉnh quy định này, theo hướng cho phép người lao động được bảo lưu thời gian còn lại chưa hưởng. Việc này nhằm tránh tình trạng người lao động tính toán “thiệt – hơn”, chờ hưởng hết thời gian trợ cấp theo quy định rồi mới quay lại thị trường lao động, thay vì nhanh chóng tìm kiếm việc làm mới khi thất nghiệp.

Đồng quan điểm với bà Trúc, ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, cho rằng cần tạo điều kiện cho người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sau mốc 144 tháng.

“Nguyên tắc của bảo hiểm thất nghiệp là “đóng – hưởng” và chia sẻ rủi ro. Nếu không cho bảo lưu thì sẽ vi phạm nguyên tắc đóng – hưởng. Trong trường hợp không cho phép người lao động bảo lưu, tôi đề xuất cho phép họ được dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp sau tháng thứ 144” - ông Hà nói.

Tương tự, ông Phạm Văn Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Liên đoàn Lao động TP.HCM, cho biết nếu người lao động đã đóng đủ 12 năm nhưng không rơi vào tình trạng thất nghiệp, thì không được hưởng chế độ nào liên quan đến phần thời gian đã đóng vượt. Khi đó, nếu tiếp tục đóng, thời gian sẽ bị tính lại từ đầu.

“Trong quá trình tư vấn, chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp người lao động bày tỏ nguyện vọng được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sau 144 tháng. Với quy định hiện tại, không ít người lao động có tâm lý xin nghỉ việc sau khi đã đóng đủ 12 năm để nhận đủ 12 tháng trợ cấp thất nghiệp, rồi sau đó mới quay lại thị trường lao động.

Trường hợp không cho phép bảo lưu, tôi đề xuất cần tăng tỷ lệ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho nhóm lao động có thời gian đóng vượt mốc 144 tháng” - ông Hiền nói.

Cũng tại hội thảo, Luật sư Trương Thị Hòa góp ý điều chỉnh Điều 43 của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), liên quan đến điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.

 Luật sư Trương Thị Hòa góp ý tại hội thảo.

Luật sư Trương Thị Hòa góp ý tại hội thảo.

Theo Luật sư Trương Thị Hòa, cần bổ sung đối tượng người lao động bị sa thải vào nhóm được hưởng bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong các tình huống rủi ro nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, đối với các trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định của Bộ luật Lao động, hoặc chấm dứt không đúng quy định theo Luật Viên chức, Luật sư Trương Thị Hòa đề nghị dự thảo cần làm rõ cụ thể trường hợp nào được hưởng và trường hợp nào không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

HẢI NHI

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-bao-luu-thoi-gian-dong-bao-hiem-that-nghiep-sau-12-nam-post843229.html