Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề qua kênh thương mại điện tử
Hà Nam là địa phương có nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống với các sản phẩm có tính đặc trưng, mang đậm văn hóa địa phương. Không nằm ngoài xu thế chuyển đổi số, thời gian qua, các làng nghề, chủ sở hữu sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử (TMĐT), mở ra nhiều cơ hội cho sản phẩm địa phương.
Phát triển thương mại điện tử là xu hướng tất yếu trong hoạt động kinh doanh thương mại nói chung, tại các làng nghề nói riêng. Thông qua kênh tiêu thụ này, các sản phẩm OCOP, sản phẩm của làng nghề dễ dàng tiếp cận hơn với người tiêu dùng, từ đó nâng cao thu nhập, sức cạnh tranh của sản phẩm. Bên cạnh đó, TMĐT cũng là kênh quảng bá sản phẩm quan trọng, giúp sản phẩm của làng nghề vươn xa, vượt qua “lũy tre làng” để có mặt tại các kênh phân phối lớn trong cả nước và xuất khẩu.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, toàn tỉnh hiện có 32 làng nghề truyền thống và 26 làng nghề đang hoạt động; có trên 150 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Đến nay, nhiều sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP của tỉnh đã nổi tiếng trên cả nước; được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, như: bánh đa nem làng Chều, cá kho Nhân Hậu (Lý Nhân); lụa Nha Xá, trống Đọi Tam, mây tre đan Ngọc Động (Duy Tiên); thêu ren Thanh Hà (Thanh Liêm); sừng mỹ nghệ Đô Hai, rượu Vọc (Bình Lục)… Thực tế cho thấy, các làng nghề, chủ sở hữu sản phẩm OCOP ngày càng quan tâm hơn đến công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh bán hàng đa kênh, quảng bá sản phẩm trên đa dạng nền tảng mạng xã hội và sàn giao dịch TMĐT.

Sản phẩm truyền thống bánh đa nem làng Chều, xã Nguyên Lý (Lý Nhân) được quảng bá, tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử Shopee.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thủy sản sông trong ao Hải Đăng (xã Thanh Sơn, Kim Bảng) cho biết: Đến nay, nhiều sản phẩm của HTX đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao như cá kho, ruốc cá, chả cá. Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, cùng với việc tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa do các sở, ngành của tỉnh tổ chức, hợp tác xã còn đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng website, fanpage, đăng ký tài khoản giới thiệu và bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT của tỉnh và một số sàn TMĐT nổi tiếng trong nước. Nhờ đó, sản phẩm của HTX ngày càng được đông đảo người tiêu dùng cả nước biết đến; sản lượng tiêu thụ tăng, thị trường tiêu thụ không ngừng được mở rộng.
Tại các làng nghề truyền thống như dệt lụa Nha Xá, bánh đa nem làng Chều, trống Đọi Tam…, các hộ sản xuất, kinh doanh đã có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương thức kinh doanh truyền thống và TMĐT để tăng khả năng tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, việc đưa sản phẩm lên sàn TMĐT và phát sóng trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội như facebook, tiktok (livestream) đã giúp doanh thu bán hàng tăng thêm khoảng 30% so với việc chỉ bán hàng trực tiếp tại cửa hàng như trước. Đặc biệt, qua các buổi livestream, nhiều khách hàng ở các tỉnh miền Trung, miền Nam, thậm chí ở nước ngoài cũng đã biết đến sản phẩm và đặt hàng.
Ông Trần Văn Tường, Chủ tịch Hiệp hội bánh đa nem làng Chều (xã Nguyên Lý, Lý Nhân) cho hay: Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm làng nghề đã có tài khoản trên các sàn TMĐT lớn như: Shopee, TikTok Shop… Do vậy, sản phẩm làm ra không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân địa phương mà hiện nay sản phẩm truyền thống này đã có mặt trên mọi miền đất nước, thậm chí được xuất khẩu ra nước ngoài. Những năm gần đây, mỗi năm, làng Chều đạt doanh thu bán hàng khoảng 60 tỷ đồng, trong đó có hơn 30% sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài; còn lại là tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại và bán ra ngoài thị trường thông qua thương lái, chợ truyền thống.
Có thể thấy, TMĐT đã và đang trở thành phương thức kinh doanh hiện đại, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP hiện nay. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà các sản phẩm làng nghề đang gặp phải khi kinh doanh trên sàn TMĐT đó là người làm nghề còn hạn chế về kỹ năng. Theo đó, thời gian qua, các sở, ngành của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX làng nghề, chủ sở hữu sản phẩm OCOP phát triển TMĐT. Từ năm 2021 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Bưu chính Viettel Hà Nam tạo trên 11.000 tài khoản cho các hộ sản xuất và hỗ trợ khoảng 40 hộ sản xuất với 250 sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh lên các sàn TMĐT như: Voso, Postmart…; hỗ trợ hàng chục cơ sở sản xuất nông sản đưa các sản phẩm lên hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm tỉnh Hà Nam nên được khách hàng rất tin tưởng.
Ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Quy mô và chất lượng giao dịch TMĐT của các hộ sản xuất, doanh nghiệp trong tỉnh vẫn còn thấp. Đa số doanh nghiệp chưa đầu tư bài bản vào TMĐT, mà chỉ coi đây là kênh bán hàng phụ trợ. Do đó, thời gian tới, Sở Công thương sẽ tích cực phối hợp với chính quyền các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trong sản xuất, kinh doanh; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Đào tạo phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Hà Nam”; phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) xây dựng ứng dụng “Santhuongmaihanam.com.vn” nhằm tạo lập một kênh quảng bá thông tin, sản phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam tới các đối tác trong và ngoài nước, giúp nâng cao hình ảnh, thương hiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh trên thị trường; phát triển sàn giao dịch TMĐT của tỉnh nhằm tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu các tiềm năng, lợi thế của tỉnh Hà Nam, của các doanh nghiệp, làng nghề.
Cùng với đó, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn về việc ứng dụng TMĐT và công nghệ thông tin trong kinh doanh, giúp các doanh nghiệp, chủ sở hữu sản phẩm OCOP nắm bắt và cập nhật thông tin thị trường, tìm kiếm bạn hàng thông qua các ứng dụng TMĐT…
Để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP qua TMĐT, bên cạnh sự hỗ trợ của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, mỗi cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh làng nghề cũng cần tích cực, chủ động hơn trong việc nghiên cứu, học hỏi, nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng tổ chức hoạt động TMĐT. Đặc biệt, trong xu thế cạnh tranh trên TMĐT ngày càng quyết liệt, các chủ thể sản xuất, kinh doanh cũng cần chú trọng đến việc nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm; đa dạng hóa các kênh giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm thông qua TMĐT; tích cực triển khai các chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng để nâng cao hiệu quả kinh doanh…