Dừa ngày càng đắt đỏ khi nguồn cung toàn cầu thiếu hụt
Thời tiết khắc nghiệt giáng đòn mạnh vào các nước sản xuất dừa hàng đầu thế giới gồm Indonesia và Phillipines, khiến vụ mùa thất bát, nguồn cung toàn cầu cạn kiệt và giá dừa ở nhiều nơi tăng vọt gấp đôi.

Dừa khô tại một đồn điền ở Quezon, Philippines. Ảnh: Reuters
Trong dịp lễ Eid al-Fitr (lễ đánh dấu sự kết thúc của tháng nhịn ăn Ramadan của người Hồi giáo) vừa qua, gia đình Mohamad Fahmi Faat ở Kuala Lumpur (Malaysia) chỉ chuẩn bị được nửa lượng thức ăn thường lệ. Theo anh, nguyên nhân do tình trạng thiếu hụt dừa, nguyên liệu chủ đạo trong nhiều món ăn châu Á.
“Nước cốt dừa tươi khan hiếm kinh khủng trong dịp lễ. Tôi chỉ mua được ba bịch nước cốt dừa thay vì sáu, chẳng đủ dùng”, nhà quản lý nhà hàng 45 tuổi này than thở khi chỉ làm được ít món bò rendang vị cay nồng đặc trưng của Malaysia.
Thời tiết khắc nghiệt ở những nước sản xuất dừa lớn nhất thế giới làm sụt giảm sản lượng, khiến nguồn cung toàn cầu co hẹp và giá dừa ở một số nơi tăng gấp đôi. Loại trái cây nhiệt đới ngày càng được ưa chuộng này khiến các nước như Philippines và Indonesia cân nhắc hạn chế xuất khẩu, trong khi người tiêu dùng được khuyên chuyển sang các lựa chọn thay thế cho nguyên liệu thiết yếu trong nấu nướng hàng ngày.
Philippines, nước sản xuất dừa lớn nhất thế giới, dự báo sản lượng năm nay giảm 20%. Hai năm qua, thời tiết cực đoan, từ hạn hán đến bão nhiệt đới đã làm kiệt quệ cây dừa, đặc biệt tại các đồn điền ven biển phía nam Philippines.
“Nguồn cung dừa thấp là do khí hậu. Những sự kiện thời tiết cực đoạn dẫn đến năng suất dừa giảm, thu hoạch chậm trễ và hạn chế hoạt động vận chuyển dừa của nông dân”, Henry Raperoga, chủ tịch kiêm CEO Axelum Resources, chuyên sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm từ dừa chất lượng cao lý giải.
Cơ quan Quản lý Dừa Philippines đang thảo luận với các nhà sản xuất về việc giữ lại một phần dầu dừa cho nhu cầu nội địa trước khi cho phép xuất khẩu. “Đề xuất này nhằm đảm bảo nguồn cung dầu dừa trong nước và ổn định giá cả mà không làm gián đoạn cam kết xuất khẩu”, cơ quan này tuyên bố.
Các nước sản xuất lớn khác như Indonesia, Thái Lan và Việt Nam cũng đối mặt với nguồn cung bị thắt chặt do thời tiết bất lợi và nhu cầu nội địa tăng cao, theo Raperoga.
Tại Indonesia, nước sản xuất lớn thứ hai thế giới, Bộ Công nghiệp đề xuất cấm xuất khẩu dừa nguyên trái từ 3-6 tháng, áp thuế lên các lô hàng xuất khẩu và thiết lập giá chuẩn để kiềm chế giá nội địa, vốn đã tăng vọt 150% trong ba tháng qua.

Tình trạng khan hiếm đã đẩy giá dầu dừa tăng gấp đôi kể từ 2023, lên mức cao nhất ba năm 2.658 đô la Mỹ/tấn. Ảnh: Bloomberg
Ở Sri Lanka, giá dựa bán buôn tại phiên đấu giá hàng tuần ở thủ đô Colombo đã tăng hơn gấp đôi trong năm qua do vụ mùa thất bát vì thời tiết xấu và dịch bệnh. Hồi tháng Hai, chính phủ nước này hồi đã cho phép nhập khẩu nhân dừa tươi để giảm áp lực thị trường.
Trong khi đó, nhu cầu toàn cầu dự kiến tiếp tục tăng nhờ hương vị hấp dẫn, phù hợp với người không dung nạp lactose (thành phần có trong sữa động vật) và những người theo chế độ ăn thuần chay.
Theo Axelum Resources, thị trường lớn nhất của công ty này là Mỹ, bên cạnh doanh số đang tăng trưởng ở châu Âu và Mỹ Latin.
Các sản phẩm liên quan như dầu dừa, sữa dừa và dừa sấy khô cũng ngày càng được ưa chuộng nhờ xu hướng ăn uống thực phẩm tự nhiên và bền vững. Theo Cộng đồng Dừa quốc tế ((ICC), một tổ chức thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành dừa ở Indonesia, tiêu thụ dầu dừa toàn cầu dự kiến tăng nhẹ lên 3,23 triệu tấn trong năm nay từ 3,2 triệu tấn năm ngoái, với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn nhất.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, tồn kho dầu dừa toàn cầu sẽ chạm mức thấp nhất trong bốn năm vào cuối niên vụ 2024-2025. Tình trạng khan hiếm đã đẩy giá dầu dừa tăng gấp đôi kể từ 2023, lên mức cao nhất ba năm là 2.658 đô la Mỹ/tấn, theo dữ liệu từ chuyên trang dữ liệu thị trường hàng hóa Commodity3.
Điều này khiến một số thương lái ở Malaysia tạm ngừng hoạt động, còn người tiêu dùng được khuyên chuyển sang các lựa chọn thay thế như kem nấu ăn (cooking cream) hoặc sữa chua cho các món cà ri, nước sốt và bánh ngọt.
Nhưng với quản lý nhà hàng Mohamad Fahmi Faat, những giải pháp này chẳng thể sánh bằng nước cốt dừa. “Nước cốt dừa là linh hồn của ẩm thực Malaysia. Nếu thay đổi hay dùng thứ khác, hương vị món ăn sẽ thất bại hoàn toàn”, anh nói
Theo Bloomberg