Đề xuất bổ sung 3 tuyến metro vào mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM
Ba tuyến metro được đề xuất bổ sung vào mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM giúp kết nối sân bay Tân Sơn Nhất, Cần Giờ và hai nhà ga đầu mối đường sắt quốc gia.
Nội dung trên được đơn vị tư vấn - Công ty CP tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía nam (Tedi South) đưa ra tại cuộc họp nghiên cứu, rà soát, đề xuất bổ sung, điều chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị, đường sắt kết nối nội vùng, các đầu mối đường sắt quốc gia khu vực TP.HCM.
Đồng thời hoàn chỉnh hệ thống đường trên cao, các đường ven hai bờ sông Sài Gòn để xem xét, cập nhật vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060.
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM, hệ thống đường sắt đô thị có 8 tuyến xuyên tâm và vành khuyên kết nối các trung tâm tài chính của TP. Bên cạnh đó, TP sẽ đầu tư thêm 3 tuyến xe điện mặt đất và đường sắt một ray (tramway hoặc monorail). Chiều dài toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị TP khoảng 220km với tổng vốn đầu tư ước tính gần 25 tỷ USD.
Hiện nay, TP mới đang triển khai 2 dự án là tuyến metro Bến Thành- Suối Tiên (metro số 1) và tuyến Bến Thành- Tham Lương (metro số 2) trong giai đoạn 1; các dự án còn lại thuộc hệ thống đường sắt đô thị của TP đang trong giai đoạn nghiên cứu, xúc tiến kêu gọi đầu tư.
Theo đề xuất, ba tuyến được đề xuất bổ sung gồm tuyến đường sắt đô thị (metro) đầu tiên có tính chất kết nối qua các nhà ga hành khách của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để về trung tâm TP.HCM và Thủ Thiêm, đồng thời kết nối đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành (theo đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành).
Tuyến thứ hai sẽ vượt sông Soài Rạp sang Cần Giờ, kết nối đến Khu đô thị du lịch 2.870 ha lấn biển Cần Giờ.
Tuyến thứ ba sẽ có tính chất vận chuyển khách kết nối giữa 2 ga đầu mối đường sắt quốc gia về phía Bắc (ga Thủ Thiêm) và về phía Tây (ga Tân Kiên) có chiều dài khoảng 28 km. Lộ trình tuyến được quy hoạch bằng cách sử dụng một phần hướng tuyến trước đây được quy hoạch cho tuyến monorail theo đường Nguyễn Văn Linh.
Ngoài ra, các tư vấn cũng kiến nghị nối dài tuyến metro số 6 thêm khoảng 7 km đến đường Nguyễn Văn Linh để có thể hình thành một chu tuyến, nếu kết hợp với một số tuyến metro khác đang được xem xét bổ sung.
Đề xuất nối tuyến metro số 2 – Giai đoạn 2 (Bến Thành - Thủ Thiêm) tại ga Thủ Thiêm với đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, tạo thành một hành lang đường sắt thông suốt từ Đô thị Tây Bắc TP.HCM - Bến Thành - Thủ Thiêm - Long Thành trong tương lai, dài hơn 80 km.
Đề xuất định hướng kết nối các tuyến metro số 3b và số 4 của TP.HCM với các tuyến metro đang được nghiên cứu của tỉnh Bình Dương để hình thành mạng lưới liên vùng đồng bộ.
'Xóa sổ' ga Bình Triệu, chuyển đường sắt quốc gia qua TP.HCM thành đường sắt đô thị
Về đường sắt quốc gia, tư vấn cũng đề xuất chuyển ga đầu mối hành khách được quy hoạch cho đường sắt quốc gia hiện hữu (Hà Nội – TP.HCM) từ ga Bình Triệu về ga An Bình mới (thuộc tỉnh Bình Dương).
Từ đó, có thể nghiên cứu chuyển đoạn tuyến đường sắt quốc gia từ sau ga An Bình về ga Sài Gòn thành đường sắt đô thị, giải phóng quỹ đất tại các trạm đầu mối kỹ thuật (Bình Triệu, Chí Hòa,…) của đường sắt quốc gia hiện hữu trên đoạn này cho phát triển mô hình TOD hiệu quả.
Đối với hệ thống các đường trên cao, tư vấn cho rằng cần thiết kéo dài các đường trên cao đã được quy hoạch trước đây để hình thành các trục xuyên tâm Bắc - Nam, Đông - Tây TP.HCM kết nối theo các tuyến giao thông đối ngoại đến các tỉnh lân cận.
Đối với các đường ven sông Sài Gòn, hiện nay chủ trương nghiên cứu thực hiện các đường ven sông Sài Gòn đã được TP.HCM và tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm, đặt ra yêu cầu sớm triển khai thực hiện để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo cảnh quan, phát triển du lịch, dịch vụ ven sông.