Đề xuất bố trí 500 tỷ đồng gia cố 12 hầm đường sắt xuống cấp

Trong số 120 công trình đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao trên mạng đường sắt quốc gia, có tới 12 hầm đường sắt đã được xây dựng và đưa vào khai thác cách đây gần 100 năm.

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia hiện nay đã được sử dụng nhiều năm, các thiết bị, các vật tư chủ yếu như ray, tà vẹt, ghi, phụ kiện hầu hết đã cũ, lạc hậu, chất lượng thấp, không phù hợp tiêu chuẩn, quá niên hạn và có dấu hiệu nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn công trình đường sắt, an toàn vận tải đường sắt.

Theo đó, hiện còn tồn tại hàng nghìn vị trí xung yếu. Đặc biệt, có 12 hầm xung yếu, trên tổng số 39 hầm của bộ toàn mạng lưới đường sắt. Toàn bộ 12 hầm này đều nằm trên tuyến đường sắt Hà Nội – TPHCM, được xây dựng và đưa vào khai thác trong khoảng thời gian từ năm 1926 đến năm 1936.

Trải qua nhiều biến động lịch sử, khai thác, hiện vỏ hầm bằng bê tông hoặc đá hộc xây bị phong hóa, nứt vỡ, thấm nước, khổ tĩnh không hẹp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khai thác chạy tàu, phải hạn chế tốc độ chạy tàu. Cả 12 hầm đều chưa từng được sửa chữa, gia cố, cải tạo từ khi xây dựng đến nay.

VNR kiến nghị Bộ GTVT trước mắt cho gia cố đảm bảo an toàn đối với 12 hầm nêu trên bằng các vòm thép hình, khung chống. Kinh phí dự kiến khoảng 500 tỷ đồng.

Đề xuất bố trí 500 tỷ đồng gia cố 12 hầm đường sắt xuống cấp

Đề xuất bố trí 500 tỷ đồng gia cố 12 hầm đường sắt xuống cấp

Ngoài các hầm đường sắt còn có 465 cầu xung yếu trên tổng số 1.862 cầu của toàn bộ mạng lưới đường sắt do VNR quản lý bị quá niên hạn sử dụng hoặc có kết cấu bê tông, đá xây bị phong hóa, xuất hiện nhiều vết nứt quá tiêu chuẩn cho phép; hoặc có kết cấu thép bị rỉ nặng, mặt cầu yếu. Thời gian qua, VNR đã báo cáo, kiến nghị Bộ GTVT đưa 465 cầu này vào các dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 hoặc bổ sung kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ hàng năm với kinh phí khoảng 4.028 tỷ đồng.

Về cống, có 876 cống xung yếu trên tổng số 4.368 cống của toàn bộ mạng lưới. Đây đều là các cống cũ, quá niên hạn sử dụng hoặc có vết nứt quá tiêu chuẩn cho phép, một số cống bị sập, không đảm bảo thoát nước đang phải gia cố tạm bằng dầm bó ray để đảm bảo an toàn. Để sửa chữa, gia cố cần kinh phí khoảng 1.544 tỷ đồng.

Với các nhà ga, hiện có tới 182 công trình kiến trúc nhà ga xung yếu trên tổng số 303 công trình kiến trúc của toàn bộ mạng lưới đường sắt bị hết niên hạn sử dụng, hoặc bị hư hỏng, xuống cấp tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn. VNR đã báo cáo, kiến nghị Bộ GTVT đưa 182 công trình này vào các dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 hoặc bổ sung kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ hàng năm với khối lượng đầu tư, sửa chữa dự kiến khoảng 3.154 m2 nhà, tương ứng kinh phí khoảng 705 tỷ đồng.

Đặc biệt, hiện còn 720 công trình đường chính, đường ga, ghi, đường ngang xung yếu trên toàn bộ mạng lưới đường sắt được giao quản lý, do nền đường, ray, ghi, tà vẹt không phù hợp tiêu chuẩn quy chuẩn, có dấu hiệu nguy hiểm, có đá lăn đá rơi. VNR cũng đã báo cáo, kiến nghị Bộ GTVT đưa các công trình này vào các dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 hoặc bổ sung kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ hàng năm với kinh phí đầu tư, sửa chữa dự kiến khoảng 9.438 tỷ đồng.

Hà Kim

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/de-xuat-bo-tri-500-ty-dong-gia-co-12-ham-duong-sat-xuong-cap-434722.html