Đề xuất bố trí hơn 2.000 tỷ làm đường sắt nối hai ga Lào Cai, Hà Khẩu

Cục Đường sắt VN đề xuất bố trí hơn 2.000 tỷ làm đường sắt nối ga Lào Cai - ga Hà Khẩu (Trung Quốc), tạo thuận lợi cho vận tải.

Cục Đường sắt VN vừa có xuất Bộ GTVT bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2026-2031 để thực hiện Dự án Đường sắt kết nối từ ga Lào Cai (Việt Nam) đến ga Hà Khẩu (Trung Quốc), tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai.

Mục tiêu đầu tư nhằm đảm bảo đồng bộ và phù hợp với khối lượng vận tải khi hình thành tuyến đường sắt mới Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đưa vào khai thác sử dụng.

Cục Đường sắt VN đề xuất Bộ GTVT bố trí hơn 2.000 tỷ làm đường sắt nối ga Lào Cai - ga Hà Khẩu (Trung Quốc), tạo thuận lợi cho vận tải (Ảnh: Tàu khách, tàu hàng tại ga Lào Cai, nguồn internet).

Cục Đường sắt VN đề xuất Bộ GTVT bố trí hơn 2.000 tỷ làm đường sắt nối ga Lào Cai - ga Hà Khẩu (Trung Quốc), tạo thuận lợi cho vận tải (Ảnh: Tàu khách, tàu hàng tại ga Lào Cai, nguồn internet).

Về quy mô, dự kiến nâng cấp cải tạo 200m tuyến hiện tại thành đường lồng (có cả hai khổ đường 1.000mm và 1.435mm) từ ga Lào Cai đến điểm đầu cải tuyến mới; xây dựng mới 2.700m tuyến đường lồng từ điểm đầu cải tuyến mới đến điểm giữa cầu Hồ Kiều mới, cải tạo bình diện ga Lào Cai; xây dựng mới 2.500m hầm khổ lồng; xây dựng mới 1/2 (dài 100m) cầu Hồ Kiều mới.

Tổng mức đầu tư dự kiến 2.150 tỷ đồng, vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2031.

Trước đó, dự án này đã được nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu vận chuyển hàng hóa liên vận trên tuyến đường sắt qua cửa khẩu này tương đối lớn. Tuy nhiên, vận tải đường sắt còn khó khăn do "vênh" khổ đường.

Cụ thể, hiện nay đường sắt Trung Quốc đã chuyển đổi sang khổ đường 1.435mm từ năm 2014. Điểm cuối của mạng đường khổ này là ga mới Hà Khẩu Bắc, chỉ còn vài tuyến ngắn khu vực biên giới có đấu nối khổ 1.000mm. Do đó, tàu Việt Nam từ ga Lào Cai sang Trung Quốc chỉ đến được các ga Hà Khẩu, Sơn Yêu và Hà Khẩu Bắc.

Tại ga Hà Khẩu Bắc, hàng hóa sẽ phải chuyển tải, sang toa mới đi tiếp được vào mạng đường sắt Trung Quốc. Còn ngược lại, tàu Trung Quốc cũng không thể sang được Việt Nam để xếp hàng và quay trở lại đi trên mạng đường sắt Trung Quốc.

Khó khăn về kĩ thuật này đã dẫn đến phát sinh chi phí sang toa, chuyển tải hàng hóa từ tàu Việt Nam (khổ 1.000mm) sang tàu Trung Quốc (khổ 1.435mm).

Nếu dự án được đầu tư, hoàn thành có thể đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa giữa cửa khẩu Lào Cai - cảng Hải Phòng và đồng bộ với tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435mm Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đang nghiên cứu.

Kỳ Nam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/de-xuat-bo-tri-hon-2000-ty-lam-duong-sat-noi-hai-ga-lao-cai-ha-khau-192240808210402124.htm