Đề xuất bồi thường cho hành khách đi tàu bị chậm, hủy chuyến
Góp ý vào dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), đại diện Công an TP cho rằng cần có chính sách bồi thường cho hành khách đi tàu trong trường hợp tàu chậm, hủy chuyến.
Chiều 31-3, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM tổ chức hội thảo Góp ý dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) do bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH chủ trì.

Chiều 31-3, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo Góp ý dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Ảnh: THY NHUNG
Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) sẽ được bàn luận tại kỳ họp Quốc hội sắp tới. “TP.HCM có những dự án đường cao tốc đi qua các khu vực trọng điểm và dự thảo đợt này đã tiếp thu, chỉnh sửa các nội dung đã có góp ý lần trước; đồng thời chúng tôi sẽ tiếp thu thêm các ý kiến để hoàn chỉnh dự án Luật này”- bà Trân cho hay.
Cần có một chương riêng về đường sắt tốc độ cao
Ông Lê Nguyễn Hồng Quang, Trưởng ban Dân chủ Pháp Luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM có một số nội dung góp ý. Trong đó, ông đề xuất dự thảo nên có một chương riêng về đường sắt tốc độ cao.
Theo ông Quang, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 172/2024 về chủ trương dự án đường sắt tốc độ cao, tuy nhiên tại Chương 3 quy định về phát triển công nghệ đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt nhưng lại chưa đề cập đến quy định cụ thể về đường sắt tốc độ cao. Cụ thể là các nội dung cần nói về an ninh, an toàn, đảm bảo trong vận hành để phòng chống thảm họa đường sắt tốc độ cao; Chính sách khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước, đầu tư vào sản xuất và vận hành đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt tốc độ cao. Ví dụ tiền thuế đối với doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị đường sắt tốc độ cao vào Việt Nam.

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến góp ý để hoàn thiện dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Ảnh: THY NHUNG
Bên cạnh đó, ông Quang cũng đề xuất vấn đề liên quan đến đầu tư phát triển công nghệ đường sắt. Tại khoản 3 Điều 30 của dự thảo quy định Chính phủ quy định tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc tổ chức doanh nghiệp Việt Nam được đặt hàng, cung cấp dịch vụ hàng hóa, nghiên cứu ứng dụng trong công nghệ.
Điều này dễ gây hiểu lầm là ưu tiên doanh nghiệp nhà nước trong đầu tư công nghệ đường sắt nên cần nghiên cứu, điều chỉnh lại cho chính xác.
Đề xuất có chính sách bồi thường nếu chậm, hủy chuyến như máy bay
Về khía cạnh đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt, đại diện Công an TP.HCM cũng thống nhất dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi). Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định, dự thảo luật đã thể hiện được trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt của lực lượng Công an như: Kiểm tra, kiểm soát người, hàng hóa và phương tiện tham gia giao thông; điều tra xác minh giải quyết tai nạn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường sắt; phối hợp các tổ chức, cá nhân liên quan đảm bảo an ninh trật tự trong hoạt động đường sắt.
Bên cạnh đó, vị đại diện Công an TP cũng có một số nội dung góp ý. Cụ thể, hoạt động đấu thầu luôn là một lĩnh vực ẩn chứa nhiều yếu tố phức tạp, nhạy cảm, nếu không được quản lý chặt chẽ có thể gây nguy cơ lãng phí, thất thoát. Vì vậy, kiến nghị ban soạn thảo bổ sung các điều khoản về mô hình hợp tác, cơ chế đấu thầu minh bạch và quyền lợi của nhà đầu tư vào phát triển hạ tầng đường sắt.
Điều 60 quy định về quyền và nghĩa vụ của hành khách, kiến nghị ban soạn thảo bổ sung chính sách bồi thường cho hành khách đi tàu trong trường hợp tàu chậm, hủy chuyến do lỗi của đơn vị vận hành nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đại diện Công an TP.HCM
Theo vị đại diện Công an TP, với thời đại phát triển, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo hiện nay đã mang lại hiệu quả cao, nâng cao hoạt động quản lý điều hành, chất lượng phục vụ, giảm thiểu thời gian, chi phí, cải thiện sự chính xác... Vì vậy, kiến nghị ban soạn thảo chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong công tác vận hành, quản lý.

Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) sẽ được đưa ra để bàn luận trong kỳ họp Quốc hội sắp tới. Ảnh: THY NHUNG
Ngoài các góp ý trên, đại diện một số đơn vị khác cũng đưa ra các góp ý khác như bổ sung các giải thích từ ngữ về đường sắt địa phương, ga liên vận quốc tế, ga hỗn hợp, ga biên giới, ga đầu mối, ga đô thị…
Đồng thời có ý kiến cho rằng việc xây dựng hàng rào bảo vệ do Cục Đường sắt quản lý nên mỗi lần duy tu, sửa chữa khá phức tạp. Để giải quyết vấn đề này nên nghiên cứu phân cấp lại quyền hạn. Ngoài ra, việc xây dựng hành lang bảo vệ đường sắt cần có quy định cụ thể và chi tiết hơn.
Kết thúc hội thảo, bà Nguyễn Trần Phượng Trân thông tin nhằm hoàn thiện dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), ban soạn đã tiếp thu ý kiến của các góp ý trước đây, đồng thời bổ sung thêm các góp ý trong đợt này. Bà Trân khuyến khích trong quá trình triển khai, thực hiện nếu các đơn vị nhận thấy có điều khoản nào chưa hợp lý thì tiếp tục góp ý để dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) được hoàn thiện hơn trước khi đưa ra Quốc hội bàn luận.