Đề xuất các KOL, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng
Vấn đề xử lý những sai phạm hoạt động quảng cáo đặc biệt là trách nhiệm của những người nổi tiếng trong việc chuyển tải quảng cáo sản phẩm đang trở thành vấn đề thảo luận 'nóng' tại nghị trường Quốc hội…

Đại biểu Quốc hội đặt vấn đề yêu cầu người quảng cáo sai sự thật phải bồi thường cho người dùng
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, trong phần thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến, đề xuất về việc quản lý hoạt động quảng cáo sản phẩm nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Vấn đề được các đại biểu đưa ra cũng là vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua chính là hoạt động quảng cáo sản phẩm của những người nổi tiếng. Đại biểu Trần Khánh Thu, đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình thể hiện băn khoăn việc yêu cầu người quảng cáo, nhất là các ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên có trách nhiệm kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm hàng hóa có thực sự khả thi khi thực hiện. Ngoài ra, việc thông báo trước với người tiếp nhận quảng cáo về việc thực hiện hoạt động quảng cáo sẽ như thế nào.

Đại biểu Trần Khánh Thu góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo
Để có hướng giải quyết vấn đề này, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị cần sửa đổi, bổ sung các nội dung này để đảm bảo khả thi hơn về cơ chế bồi thường và hoạt động quảng cáo sai của người truyền tải quảng cáo, nhất là những người nổi tiếng.
Cùng với đó, cũng cần quy định rõ hơn trong luật, có thể bổ sung thêm nghĩa vụ của người truyền tải thông tin quảng cáo phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường vì hành động quảng cáo sai của mình.
Nữ đại biểu tỉnh Thái Bình dẫn chứng thực tế ở một số quốc gia, bà cho biết, tại Hoa Kỳ, Ủy ban Thương mại Liên bang yêu cầu người nổi tiếng phải tiết lộ rõ mối quan hệ tài chính với thương hiệu khi quảng cáo sản phẩm; quảng cáo phải trung thực không gây hiểu lầm về hiệu quả hoặc tính năng của sản phẩm. Trong khi đó, Hàn Quốc cấm các hoạt động quảng cáo trá hình trên mạng xã hội, nếu vi phạm có thể phạt tối đa 2% doanh thu quảng cáo hoặc tối đa 500 triệu won, tính ra khoảng 8,7 tỷ đồng và đến năm 2022 thì Hàn Quốc còn bổ sung thêm nội dung cấm nghệ sĩ làm gương mặt đại diện cho các hãng rượu để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ.
Các quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo tính trung thực trong hoạt động quảng cáo, người nổi tiếng thì cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật khi tham gia quảng cáo để tránh hậu quả pháp lý và ảnh hưởng đến uy tín cá nhân.
Đồng tình quan điểm xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động quảng cáo, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị trong luật sửa đổi, cùng với quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo, phát hành quảng cáo, cần phải tăng cường mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng bởi những tác động trực tiếp của nó đến tính mạng và sức khỏe của người dân.
Đại biểu, đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo, nâng cao mức phạt để đảm bảo tính răn đe, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản và quyền lợi của người tiêu dùng, tạo ra một môi trường quảng cáo lành mạnh và bình đẳng. Đồng thời, cần rà soát, bổ sung các quy định về đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm pháp lý của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, nhất là những người có ảnh hưởng.
Nêu quan điểm, Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh nghĩa vụ của người chuyển tải quảng cáo rất quan trọng, đặc biệt là người có ảnh hưởng. Đại biểu cho biết, thời gian qua, có những người quảng cáo phản cảm. Vậy nên cần quy trách nhiệm của chủ thể quảng cáo và người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.