Đề xuất Chính phủ tập trung nghiên cứu về khoa học thể thao, bồi dưỡng nhân tài

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, tới đây, Bộ sẽ tham mưu, đề xuất với Chính phủ tập trung nghiên cứu về khoa học thể thao, bồi dưỡng nhân tài.

Chiều ngày 05/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều ngày 5/6. Ảnh: quochoi.vn.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đăng đàn trả lời chất vấn về những nội dung: Công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao; Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm; Chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đăng đàn trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nội vụ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Tham mưu, đề xuất với Chính phủ tập trung nghiên cứu về khoa học thể thao, bồi dưỡng nhân tài

Theo Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng, cần có quy định rõ các chính sách đặc thù ưu đãi vận động viên, huấn luyện viên tài năng.

Cụ thể, Đại biểu Trần Văn Tuấn cho biết, ngày 22/02/2019 Quyết định số 223/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035” được ban hành. Nội dung đề án đã xác định rõ các mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong đó có 04 nhóm nhiệm vụ giải pháp nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao.

Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang. Ảnh: quochoi.vn.

Tuy nhiên, theo đại biểu, trong Báo cáo của Bộ trưởng chuẩn bị cho nội dung chất vấn chưa đánh giá rõ về nội dung này.

“Đề nghị Bộ trưởng cho biết trong 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp tham mưu xây dựng được những cơ chế, chính sách gì và tình hình kết quả thực hiện ra sao? Đặc biệt là các chính sách đặc thù ưu đãi vận động viên, huấn luyện viên tài năng?” - vị đại biểu đặt vấn đề.

Trả lời câu hỏi về các chính sách đặc thù ưu đãi vận động viên, huấn luyện viên tài năng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Quyết định số 223/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035”, Bộ đã tập trung phối hợp với các Bộ ngành liên quan thực hiện nhiệm vụ được giao.

Theo đó, nhóm việc đầu tiên là đề xuất để ban hành chính sách liên quan đến lĩnh vực này, trong đó có vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao. Những đối tượng này được thụ hưởng 7 chính sách mà Đảng và Nhà nước đã ban hành trong thời gian qua như vấn đề tiền lương, bảo hiểm, chế độ thưởng bằng hiện vật, chế độ dinh dưỡng đặc thù…

Bộ trưởng cho biết, tới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu, đề xuất với Chính phủ tập trung nghiên cứu về khoa học thể thao, bồi dưỡng nhân tài. Cần có cách làm mới hơn, khoa học hơn trong phát hiện năng khiếu, ứng dụng gen để đào tạo; tìm chọn ra các huấn luyện viên ở các độ tuổi khác nhau.

Giải pháp về việc làm vận động viên sau khi giải nghệ

Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho biết, đa số các vận động viên đều chung nỗi lo sẽ làm công việc gì sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu. Sau khi giải nghệ, chỉ có số ít vận động viên được chuyển sang làm công tác huấn luyện hoặc các công việc khác liên quan đến thể thao, kinh doanh. Theo quy định tại Điều 5, Điều 7 Nghị định số 36/2019/NĐ-CP, cần bảo đảm việc học tập văn hóa, chính trị cho vận động viên, ưu đãi về học nghề và giải quyết việc làm cho vận động viên thành công. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp lâu dài để đảm bảo tương lai cho vận động viên sau khi giải nghệ?

Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình. Ảnh: quochoi.vn.

Trả lời chất vấn Đại biểu Trần Quang Minh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến vấn đề thể thao, có nhiều cơ chế, chính sách được ban hành nhằm động viên, khích lệ đội ngũ thể thao thành tích cao đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Tuy nhiên, đúng như đại biểu chia sẻ, để giải quyết việc làm có tính chất căn cơ cho vận động viên thể thao cũng còn nhiều khó khăn.

Các khó khăn nổi lên là:

Thứ nhất, do trình độ đào tạo và nghề nghiệp của vận động viên chưa được chuyển đổi sau khi hết thời gian.

Thứ hai, nghề nghiệp đó cũng có thể chưa hẳn thích hợp với từng vận động viên và từng loại hình đã được rèn luyện và thi đấu.

Không phải tất cả các vận động viên đều được trở về các cơ quan để làm huấn luyện trong các đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước quản lý. Nên giải pháp về lâu dài là tiếp tục đổi mới cách tiếp cận để giải quyết việc làm bằng nhiều cách khác nhau.

Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất Chính phủ phối hợp với các Bộ, ngành tập trung đánh giá tổng thể hệ thống chính sách vừa qua; đề xuất Chính phủ ban hành những chính sách mới, trong đó hỗ trợ về nhà ở, công việc cho vận động viên thể thao…

Giải pháp nào để nâng cao trình độ nguồn nhân lực du lịch?

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi nêu vấn đề: “Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tình trạng nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu vừa chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Do đó, đề nghị Bộ trưởng cho biết cần những giải pháp gì để nhanh chóng bổ sung và nâng cao trình độ nguồn nhân lực du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng thị trường lao động trong nước, đồng thời có thể hội nhập, làm việc trong ngành du lịch các nước như là hiện nay lao động các nước Đông Nam Á có thể đến làm việc tại Việt Nam?”.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: quochoi.vn.

Liên quan đến câu hỏi về giải pháp để nâng cao trình độ nhân lực du lịch chất lượng cao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch hiện nay đang thiếu.

Trong đó, nhân lực làm tại các cơ sở lưu trú chiếm 70%, 20% là nhân lực lữ hành, còn lại 10% làm tại các đơn vị khác trong các lĩnh vực như đơn vị văn phòng phục vụ.

“Hiện nay, chúng ta đã có 8 trường cao đẳng du lịch theo từng vùng, đào tạo rất bài bản và làm từng vùng, hằng năm, thu hút rất đông, và đào tạo ra bao nhiêu nhân lực, các doanh nghiệp đều nhận. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tự đào tạo như Sài Gòn Tourists, Hà Nội Tourists…cũng có cơ sở đào tạo” - Bộ trưởng thông tin thêm.

Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh cần tập trung đa dạng hóa loại hình đào tạo, nâng cao kiến thức cho nhân lực làm du lịch, sau đó tổ chức thi tay nghề, nhân lực cần được tiếp cận theo chuẩn nghề trong ASEAN về lĩnh vực du lịch.

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn nêu: “Tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân sinh sống chủ yếu vào nghề nông nghiệp. Qua tìm hiểu, mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch ngày càng phát triển. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ các giải pháp để thu hút cũng như đào tạo được nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng cung cấp các sản phẩm du lịch, dịch vụ, góp phần phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: quochoi.vn.

Liên quan tới việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy có nhiều chương trình riêng để phát triển khu vực này, qua đó rút ngắn khoảng giữa miền ngược và miền xuôi, giữa đồng bằng và đô thị.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cử các nhóm chuyên gia du lịch nhằm hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số cách làm du lịch cộng đồng để góp phần đào tạo nguồn nhân lực, tránh việc tự phát, hoạt động không quy củ, không bài bản.

Đồng thời, đưa ra các khuyến nghị dựa trên văn hóa bản địa, đặc sắc của từng vùng, miền, địa phương, dựa trên yếu tố đặc thù văn hóa và yếu tố của tự nhiên.

Các thiết chế được đầu tư, xây dựng ở đồng bào dân tộc không xây thì thiếu, nhưng xây thì sử dụng thế nào cho hiệu quả?

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho biết, báo cáo số 136/BC-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được thường xuyên, hiệu quả do thiếu thiết chế văn hóa, thể thao tại cơ sở.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có giải pháp đột phá gì nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, bên cạnh nâng cao số lượng cần nâng cao hơn nữa chất lượng của các thiết chế văn hóa cơ sở nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi?

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang. Ảnh: quochoi.vn.

Trả lời câu hỏi chất vấn của Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, điều mà đại biểu phản ánh rất đúng, các thiết chế được đầu tư, xây dựng ở đồng bào dân tộc không xây thì đang thiếu, nhưng xây thì sử dụng thế nào cho hiệu quả?

Bộ trưởng cũng nhận thấy được những bất cập này và đề xuất thời gian tới cần có giải pháp mang tính chất căn cơ. Đó là cần nhận thức những bất cập thuộc về thể chế.

“Ví dụ như thiết chế văn hóa thuộc về tài sản công, Luật Quản lý tài sản công được thể hiện như thế nào, được khai thác ra sao thì cần được bàn rõ, liên kết cái gì để triển khai hoạt động? Vì vậy, cần phải tính toán”, Bộ trưởng nêu dẫn chứng. Qua đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội rà soát lại để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để có điều kiện tổ chức thực hiện, nhất là phát huy đầu tư công của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Bởi vì thiết chế văn hóa là điều kiện cần và đủ để hình thành môi trường văn hóa. Nếu không có thiết chế văn hóa thì sẽ rất khó khăn.

Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn thời gian tới các cấp ủy, chính quyền địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo, tập trung các nguồn lực, ngoài nguồn lực Nhà nước thì huy động thêm các nguồn lực khác để xây dựng, trong đó có nguồn lực nhân dân đồng thuận, điều này trở thành tài sản của nhân dân. Có như vậy mới phát huy được tác dụng.

Giải pháp phát huy giá trị loại hình nghệ thuật truyền thống

Đại biểu Trần Quốc Quân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An cho biết, thời gian qua, với sự phát triển, hội nhập, các loại hình biểu diễn nghệ thuật đương đại, các loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống dân gian đang đứng trước nguy cơ mai một. Việc triển khai các hoạt động, chính sách bảo tồn nghệ thuật truyền thống còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, về thu hút lực lượng trẻ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng có giải pháp như nào để duy trì và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật truyền thống mang đậm nét văn hóa dân tộc?

Đại biểu Trần Quốc Quân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An. Ảnh: quochoi.vn.

Đối với chất vấn của đại biểu về phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống, Bộ trưởng nêu rõ câu chuyện này không đơn giản. Vì vậy, thời gian tới, cần tập trung đào tạo năng khiếu, tiếp tục phát triển loại hình này theo hướng nghệ thuật đỉnh cao, ban hành chính sách riêng, trong đó không nên thực hiện tự chủ để loại hình này được phát triển; cấp trung ương sẽ thực hiện công tác đào tạo công tác bồi dưỡng có tính chất đỉnh cao. Còn về phía địa phương, khuyến khích phát triển các loại hình theo hướng tập trung có chính sách cho nghệ nhân – bởi họ chính là những người giữ hồn, giữ lửa cho loại hình này.

Cùng với đó, tập trung kết nối với du lịch, coi sản phẩm quan du lịch phải dựa trên tài nguyên văn hóa, để tạo ra hiệu ứng lan tỏa và thông qua đó giải quyết bài toán kinh tế trong văn hóa, để có điều kiện phát triển loại hình này.

Đại biểu băn khoăn về bộ sách dạy tiếng dân tộc

Đại biểu Leo Thị Lịch - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang quan tâm đến vấn đề về tiếng nói và chữ viết của người dân tộc thiểu số hiện nay.

Nữ đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ giải pháp để duy trì bản sắc và bảo tồn. Đồng thời, Đại biểu Leo Thị Lịch cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ thêm vấn đề về bộ sách dạy tiếng dân tộc trong thời gian tới.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, riêng câu hỏi của Đại biểu Leo Thị Lịch, đề nghị Bộ Giáo dục làm rõ vấn đề bộ sách dạy tiếng dân tộc trong thời gian tới, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời bằng văn bản cho đại biểu.

Huệ Phương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/de-xuat-chinh-phu-tap-trung-nghien-cuu-ve-khoa-hoc-the-thao-boi-duong-nhan-tai-post243199.gd