Đề xuất chính sách bảo hiểm cho công chức có thể thất nghiệp sau tinh giản
Góp ý vào dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Quốc hội nêu thực tế, đội ngũ cán bộ, công chức cũng là người lao động và cũng có thể thất nghiệp khi thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, sáng 7/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Góp ý vào dự thảo, đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho biết, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) là cơ hội để cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng trong Nghị quyết 57-NQ/TW về khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết 18-NQ/TW về sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị.
Đại biểu đánh giá cao dự thảo luật đã cơ bản thể chế hóa các Chủ trương của Đảng tại các nghị quyết trên. Tuy nhiên, theo đại biểu việc thể chế hóa các nghị quyết của Đảng trong dự thảo luật cần phải tiếp tục rà soát, bổ sung để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ nhất chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 57, Nghị quyết 68 và Nghị quyết 18.
"Nếu luật không tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng hơn cho kinh tế tư nhân, chúng ta khó đạt mục tiêu; tốc độ tạo việc làm mới sẽ chậm lại, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế," đại biểu nhận định.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật thiếu quy định hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đào tạo kỹ năng số cho người lao động. "Điều này có thể khiến Việt Nam tụt hậu, người lao động lỡ cơ hội việc làm mới và doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài," đại biểu tỉnh Hà Nam nêu.
Để hoàn thiện dự thảo, đại biểu Trần Văn Khải đề xuất, bổ sung tại Điều 4 khoản 1 nội dung sau: "Ưu tiên hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân là động lực chính trong tạo việc làm bền vững", nhằm nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân trong tạo việc làm bền vững và khẳng định cam kết của Nhà nước về môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng. Đồng thời mở rộng chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tạo nhiều việc làm, giao Chính phủ quy định cụ thể các hỗ trợ tương ứng.

Đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam. Ảnh: quochoi.vn
Cũng góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng sửa Luật Việc làm lần này cần hướng tới mở rộng phạm vi điều chỉnh với mọi đối tượng là người lao động, bao gồm cả người trong độ tuổi, ngoài tuổi mà vẫn có nhu cầu làm việc, nhân sự trong khu vực doanh nghiệp và cả cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đại biểu, bản thân đội ngũ cán bộ, công chức viên chức cũng là người lao động và cũng có thể thất nghiệp, nhất là khi thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.
"Họ cũng cần được pháp luật bảo vệ và được thực hiện các chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp khi vì những lý do nào đó mà dù vẫn có khả năng lao động nhưng phải rời khỏi công vụ," đại biểu nêu vấn đề.
Lo khả năng Luật Việc làm "bỏ quên" nhóm cán bộ công chức, đối tượng cũng cần bảo hiểm thất nghiệp, đại biểu đề nghị dành sự quan tâm về chính sách việc làm trong dự luật với đội ngũ nhân lực rời khu vực Nhà nước.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị. Ảnh: quochoi.vn
Cũng liên quan đến vấn đề này, theo đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương trước tình hình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hướng tới bỏ “biên chế suốt đời”, sẽ dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có khả năng mất việc nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Do đó, để khuyến khích cán bộ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, có ý thức giữ việc làm, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung đối tượng được tham gia bảo hiểm thất nghiệp là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
"Đây sẽ là bước đi chủ động của Nhà nước trong bảo vệ người lao động khu vực công trong điều kiện mới," đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân nhấn mạnh.