Đề xuất chuyển hơn 800 tỷ của lĩnh vực y tế cho 3 dự án giao thông

Với đề xuất chuyển hơn 800 tỷ không sử dụng hết trong lĩnh vực y tế cho 3 dự án giao thông, nhiều ý kiến không ủng hộ. Ông Vũ Hồng Thanh gợi ý dùng số tiền này mua thiết bị y tế.

Chiều 29/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường để xem xét về việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách Trung ương kế hoạch năm 2022 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại chưa phân bổ.

Đề xuất chuyển 932 tỷ “không tiêu hết” cho 3 dự án giao thông

Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, báo cáo của Chính phủ cho thấy trong tổng số 176.000 tỷ đồng được Quốc hội cho phép phân bổ, có hơn 172.000 tỷ đồng đã được giao cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương hoàn thiện thủ tục đầu tư cho 264 nhiệm vụ, dự án.

Số vốn còn lại là 3.432 tỷ đồng, trong đó có 2.500 tỷ đồng chưa đủ điều kiện và 932 tỷ đồng đã thông báo nhưng bộ, địa phương đề xuất trả lại, không đầu tư.

Với số vốn 932 tỷ đồng không sử dụng hết (802 tỷ đồng của lĩnh vực y tế và 130 tỷ đồng của an sinh xã hội, lao động việc làm), Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép phân bổ cho 3 dự án giao thông.

 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. Ảnh: Phạm Thắng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. Ảnh: Phạm Thắng.

Cụ thể, bổ sung 407 tỷ đồng cho dự án đầu tư đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; bố trí 230 tỷ đồng cho dự án đường tránh phía đông thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị; bổ sung 295 tỷ đồng cho dự án Xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định, thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng việc điều chuyển sẽ vượt cơ cấu vốn, không phù hợp theo quy định của Nghị quyết 43, đề nghị không điều chỉnh sang lĩnh vực khác.

Đối với 3 dự án giao thông trên, theo cơ quan thẩm tra, Chính phủ cần rà soát, đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí, có thể bố trí từ nguồn chưa phân bổ 11.437 tỷ đồng thuộc lĩnh vực đầu tư hạ tầng.

Giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng nếu tiếp tục giữ lại khoảng 932 tỷ dành cho lĩnh vực y tế và an sinh xã hội, sẽ mất rất nhiều thời gian tìm dự án phù hợp tiêu chí, nguyên tắc và triển khai thủ tục tiếp theo.

Với kiến nghị lấy 11.437 tỷ đồng từ nguồn chưa phân bổ thuộc lĩnh vực đầu tư hạ tầng dành cho 3 dự án giao thông, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá là rất khó. Vì số tiền này thực chất đã thông báo làm thủ tục đầu tư cho 6 dự án được phân cấp cho các địa phương thực hiện.

Do vậy, nếu sử dụng nguồn này cho 3 dự án, khi các dự án kia đủ thủ tục đầu tư sẽ không có nguồn bù đắp.

 Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh: Phạm Thắng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh: Phạm Thắng.

Nói thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ đã có 10 văn bản gửi các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị căn cứ tiêu chí, tiêu chuẩn để rà soát kỹ, đề xuất dự án đạt mục tiêu Nghị quyết 43 của Quốc hội.

“Chúng tôi có mốc thời gian đăng ký cụ thể, và đến thời hạn, địa phương nào không báo cáo có nghĩa là không có nhu cầu. Bộ không chờ đợi vì đã chậm tiến độ”, ông Tuyên nói.

Ông khẳng định nhu cầu đầu tư của ngành y tế là rất lớn (ban đầu rà soát tới 272 dự án với vốn 59.000 tỷ đồng), tuy nhiên sau khi rà soát kỹ, họp nhiều lần, có văn bản “trao đi đổi lại”, chỉ còn 144 dự án đảm bảo đúng tiêu chí, tiêu chuẩn của Nghị quyết 43.

Ngành y đang rất thiếu và rất cần được đầu tư

Là người tham gia từ đầu chuẩn bị Nghị quyết 43 của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, lo ngại khi đã qua 1/3 chặng đường bố trí vốn mà số vốn vẫn chưa được bố trí hết.

“Bây giờ mới phân bổ vốn thì hiệu quả, tác dụng chắc khó đạt được, nhưng chúng ta vẫn phải quyết tâm làm càng nhanh càng tốt, để chương trình phục hồi, phát triển kinh tế sớm đi vào thực tế”, theo lời ông Thanh.

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Phạm Thắng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Phạm Thắng.

Đề cập 932 tỷ đồng chưa sử dụng hết của lĩnh vực y tế và an sinh xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế thể hiện quan điểm: "Cấu chỗ nào thì cấu, chứ cấu chỗ y tế, an sinh xã hội là không nên". Dẫn cụ thể 2 bệnh viện vệ tinh ở Hà Nam không có thiết bị nên không vận hành được, ông Thanh đặt vấn đề tại sao không dùng số tiền này để mua thiết bị cho bệnh viện vận hành.

Chung băn khoăn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong không ủng hộ đề xuất chuyển 932 tỷ từ lĩnh vực y tế, an sinh sang 3 dự án giao thông, trong khi chỉ có một dự án trong số đó là “khẩn cấp”.

 Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong. Ảnh: Phạm Thắng.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong. Ảnh: Phạm Thắng.

“Đi giám sát việc thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội mới thấy anh em ngành y đang khổ, việc nhiều nên nhiều khi rà soát, chuẩn bị không kịp. Thực chất ngành y đang thiếu rất nhiều và cần được đầu tư. Số nhân lực y tế nghỉ việc rất lớn và hàng loạt vấn đề khác đang đặt ra. Nếu lấy số tiền trên chuyển cho giao thông, tôi mà trong ngành y tôi cũng tủi thân”, ông Phong chia sẻ và đề nghị tiếp tục rà soát.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục sử dụng 932 tỷ cho các nhiệm vụ, dự án thuộc lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động việc làm chưa được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn hoặc bố trí vốn chưa đầy đủ. 3 dự án giao thông nếu thực sự cấp bách, Chính phủ nghiên cứu sử dụng nguồn khác cho phù hợp.

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/de-xuat-chuyen-hon-800-ty-cua-linh-vuc-y-te-cho-3-du-an-giao-thong-post1350367.html