ĐỀ XUẤT CÓ SỰ ĐÁNH GIÁ, PHÂN LOẠI TỔ CHỨC XÃ HỘI TRONG VIỆC BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

Đóng góp vào dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), ông Đỗ Huy Trung - Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nêu quan điểm, cần có sự đánh giá, phân định từng loại tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để đầu tư có hiệu quả.

PHÁT HUY HIỆU QUẢ VIỆC BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG CẦN SỰ HỖ TRỢ RẤT LỚN TỪ CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: ĐẢM BẢO LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI) ĐI VÀO CUỘC SỐNG VÀ CÓ TÍNH KHẢ THI CAO

Sau gần 12 năm thực thi, các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, đồng thời kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản để thúc đẩy công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam. Luật có phạm vi tác động, ảnh hưởng rộng rãi, không chỉ đối với người tiêu dùng mà còn đối với cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và các cơ quan tổ chức có liên quan.

Đề cập về sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh: Bên cạnh các kết quả tích cực, các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành, trong đó có các quy định quan trọng liên quan đến phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng, giải quyết tranh chấp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Do đó, việc hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng làm tiền đề cho việc tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nhu cầu cấp thiết và cần sớm được triển khai nhằm bảo vệ hiệu quả quyền lợi của người tiêu dùng trong bối cảnh mới.

Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Bảo về quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trên cơ sở những ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội.

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), ông Đỗ Huy Trung - Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, đối tượng người tiêu dùng trong dự thảo Luật tại khoản 1, Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức.” Tại khoản 1, Điều 3 dự thảo Luật đưa ra 2 phương án. Như vậy, so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 thì cả 2 phương án trong dự thảo Luật đều thu hẹp đối tượng người tiêu dùng được bảo vệ. Cụ thể:

Phương án 1: Dự thảo Luật thu hẹp nhiều đối tượng là người tiêu dùng được bảo vệ là: tổ chức mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt; đồng thời phương án này cũng loại bỏ đối tượng là cá nhân, gia đình mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích thương mại không phải là người tiêu dùng.

Phương án 2: Đối tượng là người tiêu dùng được bảo vệ là cá nhân, gia đình, tổ chức là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt. Các đối tượng này (cá nhân, gia đình, tổ chức) mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ngoài mục đích tiêu dùng, sinh hoạt thì không được coi là đối tượng để bảo vệ.

Ông Đỗ Huy Trung - Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam

Hiện nay, Chỉ thị 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác quyền lợi của người tiêu dùng”. Trong Chỉ thị có nội dung nhằm tăng cường công tác bảo vệ người tiêu dùng trong thời gian tới. Tại điểm 2 Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư đã chỉ rõ: “Tổng kết thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung Luật cho phù hợp với yêu cầu quản lý của đất nước và hội nhập quốc tế trong tình hình mới” với chủ trương của Đảng. Như vậy, dự thảo Luật lại bỏ đi nhiều đối tượng như vậy thì cần cân nhắc. Hơn nữa, hiện nay khoa học công nghệ phát triển mạnh cần áp dụng thành tựu vào việc Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tế đòi hỏi. Nếu thu hẹp các đối tương là người tiêu dùng thì ai sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng các đối tượng còn lại?

Trong trường hợp theo phương án 1 cần phải tính đến thực tế hiện nay ở nước ta có nhiều tổ chức rất yếu thế trong mọi giao dịch (của Hội người mù, người bị nhiễm chất độc da cam, tổ chức thương binh thành lập...; ngoài ra có nhiều tổ chức hoạt động có tính thiện nguyện các tổ chức từ thiện, bảo trợ trẻ em, trợ giúp pháp lý, bảo trợ người già, các hiệp hội...) nếu loại trừ đối tượng này thì chưa đáp ứng yêu cầu của thực tế. Do đó, ông Đỗ Huy Trung đề nghị cần cân nhắc việc thu hẹp đối tượng người tiêu dùng để được bảo vệ quyền lợi chính đáng trong Luật này.

Ông Đỗ Huy Trung cho rằng, dự thảo Luật bổ sung quy định tại Điều 8 Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương (gồm 3 khoản) về những đối tượng là người tiêu dùng dễ bị tổn thương, với những biện pháp, trách nhiệm để bảo vệ.

Theo ông Đỗ Huy Trung nhất trí việc bổ sung nội dung này nhằm đáp ứng thực tế và thể chế đường lối của Đảng. Tuy nhiên, về kỹ thuật tên điều này cần chỉnh lý lại “Người tiêu dùng được ưu tiên bảo vệ” cho phù hợp, đúng tính chất. Bởi vì, người tiêu dùng đa dạng nhưng có điểm chung tất cả là người yếu thế so với người bán, cung cấp hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ... các đối tượng quy định tại Điều 8 là những người do yếu tố khiếm khuyết, yếu thế nhất cần được ưu tiên bảo vệ hơn những đối tượng khác. Việc quy định “tổn thương” cần đưa vào trong giải trình mà không nên quy định trong Luật dễ làm “tổn thương” cho đối tượng này. Do đó, tên Điều 8 cần viết lại: “Điều 8. Người tiêu dùng được ưu tiên bảo vệ”.

Về nội dung, ông Đỗ Huy Trung nêu quan điểm, điều này cần tính đến để nghiên cứu bổ sung các tổ chức yếu thế: Hội Người mù, Hội Người cao tuổi... cho phù hợp với đối tượng được tiếp thu, chỉnh sửa. Đồng thời, cần xem xét, bổ sung các đội tượng khác bảo đảm công bằng trong chính sách như đối tượng là thương binh hay người có công với cách mạng.

Dự thảo Luật quy định tại Chương 4 bao gồm từ Điều 48 đến Điều 52 quy định về hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ông Đỗ Huy Trung đánh giá cao, dự thảo Luật quy định khá đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức xã hội tham gia... Về nội dung cần thống nhất về nhận thức, vị trí, vai trò của các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Về bản chất các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là làm thay, làm giúp công việc của Nhà nước, góp phần làm ổn định, trật tự xã hội của chế độ. Do đó, Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện cho các tổ chức này thuận lợi hoạt động có hiệu quả.

(ảnh minh họa: Internet)

(ảnh minh họa: Internet)

Việc hoàn thiện các thể chế để tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội có ý nghĩa tích cực về nhiều mặt và phù hợp với chủ trương của Đảng là “những việc tổ chức xã hội đảm nhiệm được thì Nhà nước giao”, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.

Tại điểm 5 Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư đã chỉ rõ: “Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các trong công tác bảo vệ 66 quyền lợi người tiêu dùng”; “Tạo điều kiện để các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hình thành và phát triển có hiệu quả..”. Ông Đỗ Huy Trung nhận thấy, Chỉ thị này được ban hành hơn 4 năm nay cần có sự tổng kết để đánh giá và thực hiện đúng.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng thực trạng có tổ chức hoạt động chưa có hiệu quả, nguyên nhân chính là chưa có sự đầu tư cần thiết của Nhà nước để bảo đảm những điều kiện cần thiết, tối thiểu cho các tổ chức này hoạt động như về kinh phí, nhân lực, bộ máy hoạt động.

Từ thực tế trên, ông Đỗ Huy Trung nêu ý kiến là các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở nước ta hiện nay rất đa dạng, có tổ chức được thành lập với chức năng, nhiệm vụ chính toàn tâm để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam). Do đó, Nhà nước cần có sự đánh giá, phân định từng loại tổ chức để đầu tư có hiệu quả. Hơn nữa, cần chú trọng việc thực hiện các quy định của pháp luật trên thực tế để các tổ chức này hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt, việc Nhà nước còn hỗ trợ một số hoạt động mà Nhà nước giao nhiệm vụ (đặt hàng), đó là các công việc, nhiệm vụ được ghi nhận trong Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành… Do đó, ông Đỗ Huy Trung đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan cần hướng dẫn giúp các tổ chức xã hội thực hiện việc này để nâng cao hiệu quả hoạt động./.

Bích Lan - Ánh Nguyệt

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=73047