Đề xuất cử chuyên gia tìm hiểu thực tế dạy chương trình mới
Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cần tìm hiểu xem ở vùng nào, địa phương nào, trường nào mà thầy cô, cha mẹ học sinh thấy chương trình nặng? Giáo viên dạy chương trình đó là ai? Việc tập huấn thực hiện chương trình mới như thế nào?
Trước phản ánh của một số giáo viên, cha mẹ học sinh về việc chương trình, sách giáo khoa (SGK) môn Tiếng Việt lớp 1 còn tương đối nặng, gây khó khăn trong quá trình tổ chức dạy và học, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài văn bản chỉ đạo, Bộ GD&ĐT cũng cần vào cuộc quyết liệt hơn bằng cách cử chuyên gia môn học tìm hiểu thực tế dạy chương trình mới tại các địa phương để có phản hồi kịp thời, tránh gây hoang mang trong dư luận.
Đồng thời, cung cấp các bài giảng mẫu ở các nơi tổ chức dạy và học tốt bằng hình thức trực tuyến để giáo viên cả nước học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm.
Nhiều câu hỏi cần sớm được trả lời
Theo phản ánh của giáo viên dạy lớp 1, ngoài việc chương trình SGK môn Tiếng Việt lớp 1 có phần “nặng” thì việc dạy và học còn chịu những tác động khách quan khác như sỹ số lớp học tại đông, có nơi lên tới 60 học sinh/lớp; kế hoạch học tập xáo trộn do dịch bệnh.
Thực tế cho thấy, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thời gian cuối ở cấp mầm non, các con chưa được rèn luyện nhiều, không được làm quen với bảng chữ cái. Năm nay, các con cũng không được đến trường làm quen trước với nếp học lớp 1 trước khai giảng. Do vậy, việc giáo viên lớp 1 vừa phải rèn nền nếp học cho các con, vừa phải “chạy” chương trình SGK mới với nhiều thay đổi thực sự rất áp lực. Điều này khiến cả cô và trò đều phải quay cuồng, vất vả hơn.
TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, trước những phản ánh của cha mẹ học sinh và giáo viên về SGK Tiếng Việt lớp 1, Bộ GD&ĐT cần vào cuộc kịp thời và quyết liệt hơn để có thể trả lời hàng loạt câu hỏi mà dư luận đặt ra.
Theo ông Vinh, trước tiên, Bộ GD&ĐT cần tìm hiểu xem ở vùng nào, địa phương nào, trường nào mà thầy cô, cha mẹ học sinh thấy chương trình nặng? Giáo viên dạy chương trình đó là ai? Việc tập huấn thực hiện chương trình mới như thế nào? Tại sao có giáo viên không cảm thấy khó khăn trong việc dạy chương trình mới? Họ là ai? Giả sử chương trình được thiết kế tốt nhưng thực hiện chương trình có tốt hay không?
“Để có thể trả lời thấu đáo các câu hỏi này, trước mắt, rất cần Bộ GD&ĐT cử chuyên gia môn học tìm hiểu thực tế dạy chương trình mới, không nên để chậm trễ, tránh dư luận hoang mang. Mặt khác, phụ huynh cũng phải rất bình tĩnh, tránh bức xúc thái quá ảnh hưởng đến tâm lý học sinh. Quá trình nhận thức có quy luật của nó, mà đôi khi sự vội vã sẽ tạo ra ảnh hưởng không tốt. Đặc biệt, rất mong Bộ GD&ĐT sớm có băng ghi hình ở nơi nào đó có giáo viên dạy mẫu chương trình mới lớp 1 hiệu quả để phổ biến cho các giáo viên khác học hỏi và cùng chia sẻ kinh nghiệm. Làm được như vậy là cách nhanh nhất để giúp chương trình mới thành công không chỉ ở lớp 1 mà còn các lớp sau này” - TS. Hoàng Ngọc Vinh nêu ý kiến.
Phụ huynh lo con phải học thêm khi không giao bài tập về nhà
Một số phụ huynh cho rằng, bên cạnh các ưu điểm, SGK Tiếng Việt của một số bộ có tiết tấu quá nhanh, phần bài đọc quá dài, quá sức đối với học sinh, chỉ phù hợp với các học sinh đã biết chữ từ trước. Tuy nhiên, trong văn bản gửi các Sở GD&ĐT mới đây, Bộ GD&ĐT lại yêu cầu không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh.
Theo nhiều phụ huynh, đây là cách xử lý không hiệu quả. Thực tế cho thấy, các cháu phải làm bài tập về nhà nhiều vẫn không theo kịp chương trình, nay cô giáo không giao bài tập thì chất lượng học liệu có đảm bảo? Để yên tâm, một số cha mẹ có thể phải cho con đi học thêm. Điều này sẽ tạo ra bất cập và đi ngược lại với chủ trương “cấm dạy thêm, học thêm” của Bộ GD&ĐT.
Về vấn đề này, TS. Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết: Trong chương trình GDPT mới, giáo viên và nhà trường được chủ động lên kế hoạch chi tiết để giúp học sinh đạt được yêu cầu chuẩn đầu ra cuối năm học mà chương trình đặt ra.
Do đó, nếu có hiện tượng học sinh quá tải vì học quá nhanh thì giáo viên cần điều chỉnh kế hoạch dạy học cho phù hợp với đối tượng học sinh của mình. Điều này chương trình cho phép và là nhiệm vụ của giáo viên. Để thực hiện được chương trình theo chuẩn đầu ra quy định, cấp tiểu học được tổ chức học 2 buổi/ngày và giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp.
Cũng theo ông Tài, đối với cấp tiểu học, Bộ GD&ĐT có quy định không dạy thêm, học thêm (tức cấm dạy thêm, học thêm) ngay cả khi thực hiện chương trình hiện hành và chương trình - SGK biên soạn theo chương trình GDPT mới.
Trong công văn mới đây nhất về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện chương trình GDPT mới đối với tiểu học, Bộ tiếp tục nhấn mạnh quy định "giáo viên không giao bài tập về nhà cho học sinh". Yêu cầu này nhằm giúp các em có thời gian nghỉ ngơi và có không gian, thời gian trải nghiệm các kiến thức đã được học tại lớp với người thân, từ đó hình thành được các năng lực, phẩm chất theo yêu cầu của chương trình.