Đề xuất dán nhãn năng lượng cho nhóm vật liệu xây dựng, xe
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến cho tờ trình Chính phủ và dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, bộ mở rộng phạm vi, thêm nhóm vật liệu xây dựng, xe cộ phải dán nhãn năng lượng.
![Bộ Công Thương đề xuất các sản phẩm thuộc nhóm nhóm vật liệu xây dựng, xe phải dán nhãn năng lượng. Ảnh: TL](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_112_51458073/198ad011e75f0e01574e.jpg)
Bộ Công Thương đề xuất các sản phẩm thuộc nhóm nhóm vật liệu xây dựng, xe phải dán nhãn năng lượng. Ảnh: TL
Trong đó, Bộ Công Thương đề xuất mở rộng phạm vi dán nhãn năng lượng sang nhóm vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải như ô tô, xe máy, các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng khác.
Cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối thiết bị phải công bố và dán nhãn năng lượng cho sản phẩm sau khi được thử nghiệm và đánh giá tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng. Đặc biệt, các cơ sở phải thực hiện thêm bước kiểm tra định kỳ để đảm bảo sản phẩm vẫn đạt hiệu suất theo quy định.
So với Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010, dự thảo mới đã mở rộng các nhóm áp dụng dán nhãn thay vì chỉ dụng cho thiết bị điện dân dụng, công nghiệp.
Ngoài ra, cơ quan quản lý sẽ không còn là Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chính mà sẽ được giao cho bộ quản lý chuyên ngành triển khai dán nhãn cho từng lĩnh vực.
Dự thảo luật sửa đổi cũng bổ sung cơ chế tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cấp công nghệ, áp dụng tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng, hỗ trợ vay vốn ưu đãi và miễn/giảm thuế nhập khẩu với sản phẩm tiết kiệm năng lượng chưa sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, dự thảo sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bổ sung quy định sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là chỉ tiêu bắt buộc trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường kiểm soát đối với ngành có mức tiêu thụ năng lượng cao và tiêu tốn tài nguyên.
Bộ Công Thương cũng đề xuất thành lập Quỹ tài chính quốc gia thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hỗ trợ tài chính cho các dự án chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.
Trong đó, Chính phủ quy định nguồn vốn của quỹ, bao gồm ngân sách nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa. Chính phủ sẽ quy định cụ thể về kiểm toán năng lượng, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải duy trì hệ thống đo đếm và báo cáo định kỳ.
Bộ Công Thương sẽ trình Thủ tướng danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hai năm một lần. Các đơn vị truyền tải điện, khai thác than, dầu khí phải có kế hoạch cụ thể để giảm thất thoát năng lượng.