Đề xuất đáng chú ý của WHO để phòng tránh đại dịch
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa kêu gọi cấm bán động vật sống trong chợ để phòng tránh các đại dịch tương tự Covid-19 trong tương lai.
Lời kêu gọi được đưa ra sau khi một nghiên cứu chung của WHO-Trung Quốc về nguồn gốc của dịch Covid-19 công bố vào tháng trước cho biết các chợ bán cả động vật sống và thịt động vật có khả năng là nguồn gốc gây ra đại dịch hiện nay. WHO từng khuyến nghị rằng cần cải thiện các chợ bán đồ tươi sống.
Trong một tuyên bố, WHO khẳng định động vật, đặc biệt là động vật hoang dã, là nguồn gốc của hơn 70% các bệnh truyền nhiễm mới ở người, phần nhiều trong số đó là do các loại virus mới gây ra. Có nguy cơ xuất hiện bệnh mới từ các loài động vật có vú hoang dã.
WHO tập trung vào chợ thực phẩm, được cho là nguồn gốc khả dĩ gây ra đại dịch sau chuyến thăm của các chuyên gia quốc tế đến TP Vũ Hán - Trung Quốc. Sau chuyến đi, dựa trên dữ liệu do phía Trung Quốc cung cấp, WHO đã loại trừ khả năng dịch bệnh rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Nhóm các chuyên gia WHO kết luận rằng nguồn gốc của đại dịch Covid-19 có thể bắt nguồn từ loài dơi và truyền sang người qua động vật trung gian. Nhóm chuyên gia cũng loại trừ khả năng virus SARS-CoV-2 lây lan thông qua động vật hoang dã đông lạnh bị nhiễm bệnh.
Báo cáo của nhóm chuyên gia gây tranh cãi gay gắt vì Bắc Kinh đã sử dụng nó để bác bỏ cáo buộc Viện Virus học Vũ Hán có thể đã gây ra đại dịch Covid-19 do để virus rò rỉ ra bên ngoài.
Đồng thời, Trung Quốc dùng báo cáo này thúc đẩy các giả thuyết cho rằng virus có thể bắt nguồn từ nơi khác.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ít lên tiếng hơn về việc Washington nghĩ gì về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, nhưng đã thúc đẩy các nghiên cứu sâu hơn về nguồn gốc của virus.
Ngày 11-4, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho rằng Trung Quốc không minh bạch thông tin về Covid-19, nhất là trong giai đoạn đầu của đại dịch, đồng thời kêu gọi tiến hành điều tra "kỹ lưỡng hơn" về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2. Theo ông Blinken, cần biết rõ những gì đã xảy ra thì mới có thể ngăn ngừa dịch bệnh xảy ra trong tương lai.
Ở Hàn Quốc, ngày 13-4, Cơ quan y tế nước này cho biết đang xem xét việc sử dụng bộ kit xét nghiệm virus SARS-Cov-2 tại nhà mặc dù độ chính xác tương đối thấp, sau khi thị trưởng TP Seoul Oh Se-hoon kêu gọi cho phép sử dụng bộ dụng cụ loại này.
Những người ủng hộ cho rằng cần sử dụng bộ kit xét nghiệm virus SARS-Cov-2 như một công cụ bổ sung trước nguy cơ bùng phát đợt dịch Covid-19 thứ tư.