Đề xuất điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên

Năm 2024, kinh tế - xã hội (KTXH) nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi và phát triển tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, GDP năm 2024 ước tăng 7,09%, thuộc nhóm dẫn đầu thế giới và khu vực. Từ thực tiễn và yêu cầu phát triển đặt ra, sáng 12/2, tại Phiên Khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét Đề án bổ sung về phát triển KTXH năm 2025 hướng tới mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên (Đề án), nhằm khai thác tối đa mọi cơ hội, nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển.

Quang cảnh Phiên họp sáng 12/2. (Ảnh: Quốc hội)

Quang cảnh Phiên họp sáng 12/2. (Ảnh: Quốc hội)

Tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Đề án, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã có báo cáo trình Quốc hội Đề án với mục tiêu cao hơn mục tiêu Trung ương, Quốc hội đã quyết nghị trước đó là 6,5 - 7%, phấn đấu 7 - 7,5%. Trong đó, Báo cáo đã đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2024. Nhờ sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhân dân và doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nước ta đã hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển KTXH năm 2024; đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu (trong đó có 12 chỉ tiêu vượt). Nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng đạt kết quả nổi bật, cao hơn số ước thực hiện đã báo cáo Trung ương và Quốc hội, được nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao...

“Năm 2025 dự báo thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, có thể tác động không nhỏ đến kinh tế nước ta. Trong khó khăn, thách thức, cũng có những thời cơ mới có thể xuất hiện, chúng ta cần chủ động nắm bắt, khai thác tối đa mọi cơ hội, nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Năm 2025 cũng là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025, năm tăng tốc, bứt phá, về đích, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược 10 năm 2021 - 2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Chỉ tiêu 2021 - 2025 nào chưa đạt thì phải quyết tâm hoàn thành; chỉ tiêu nào đạt rồi thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026). Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Theo đó, kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên năm 2025 gồm: Tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 9,5% trở lên (trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% trở lên); dịch vụ tăng 8,1% trở lên; nông, lâm, thủy sản tăng 3,9% trở lên).

Các khu vực kinh tế tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7 - 1,3% so với năm 2024. Công nghiệp - xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng.

Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD.

Các động lực tăng trưởng sẽ là: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 174 tỷ USD trở lên, xấp xỉ 33,5% GDP (cao hơn 3 tỷ USD); trong đó, đầu tư công khoảng 36 tỷ USD (tương đương 875 nghìn tỷ đồng, cao hơn khoảng 84,3 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025 là 790,7 nghìn tỷ đồng), đầu tư tư nhân khoảng 96 tỷ USD, FDI khoảng 28 tỷ USD, đầu tư khác khoảng 14 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 tăng 12% trở lên. Thặng dư thương mại khoảng 30 tỷ USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.

Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, gồm: Hoàn thiện thể chế, pháp luật; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân và công nghiệp chế biến, chế tạo; thúc đẩy tiêu dùng, thu hút khách du lịch; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến…

Trên cơ sở Đề án này, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu, đó là: Tốc độ tăng GDP đạt 8% trở lên; tốc độ tăng chỉ số CPI bình quân khoảng 4,5 - 5%. Trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4 - 4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.

Trình bày Báo cáo thẩm tra Đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh cho biết, UBKT cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ. Việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.

Về chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số CPI bình quân khoảng 4,5 - 5%, UBKT cho rằng, việc điều chỉnh chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng là cần thiết nhằm tạo không gian trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, lạm phát là chỉ tiêu quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định vĩ mô cũng như đời sống người dân và chi phí của doanh nghiệp. Do đó, đề nghị Chính phủ có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô...

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt Kết luận số 97-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về KTXH năm 2024 - 2025 đã được thể chế hóa cụ thể trong Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội. Đặc biệt là triển khai quyết liệt, hiệu quả Kết luận số 123-KL/TW của Trung ương và tùy tình hình thực tế có các giải pháp điều hành phù hợp.

Đồng thời, có giải pháp cụ thể, hiệu quả để bảo đảm an sinh xã hội, an ninh tài chính quốc gia trong trường hợp nới lỏng chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và điều chỉnh tăng CPI, bội chi, nợ công. Thực hiện đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm hiệu quả việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức, bộ máy; không để xảy ra gián đoạn công việc hoặc làm ảnh hưởng đến người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...

Linh Đan

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/de-xuat-dieu-chinh-muc-tieu-tang-truong-gdp-nam-2025-dat-8-tro-len-394544.html