Đề xuất điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới, Phú Quốc
Cảng An Thới gồm khu vực cảng đầu mối (cảng chính) và khu cảng chuyển tải (bến phao) để xếp dỡ hàng hóa, vận chuyển hành khách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho TP. Phú Quốc.
Bộ GTVT vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới - Phú Quốc.
Tại công văn này, Bộ GTVT đề xuất phương án điều chuyển ngay tài sản kết cấu hạ tầng cảng An Thới về UBND Kiên Giang quản lý, sử dụng và khai thác mà không cần đợi đến khi Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 43/2018/NĐ-CP về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải.
Phương án này sẽ phù hợp quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 43/2018/NĐ-CP, đồng thời giúp UBND tỉnh Kiên Giang sẽ chủ động trong việc thực hiện quản lý, khai thác cảng phù hợp với định hướng phát triển của khu vực, mang lại hiệu quả sử dụng cao hơn do khắc phục được các tồn tại trong quá trình quản lý, khai thác cảng biển An Thới trong giai đoạn vừa qua, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP. Phú Quốc.
Sau khi được Thủ tướng chấp thuận, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan triển khai các công việc tiếp theo theo quy định.
Trước đó, tại Thông báo số 189/TB-VPCP ngày 27/4/2024 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị điều chuyển giao tài sản kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới - Phú Quốc về UBND tỉnh Kiên Giang quản lý; đề xuất phương án xử lý theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, tránh lãng phí tài sản.
Theo Bộ GTVT, Dự án đầu tư xây dựng cảng biển An Thới được Bộ GTVT phê duyệt vào tháng 1/2003 với quy mô xây dựng gồm khu vực cảng đầu mối (cảng chính) và khu cảng chuyển tải (bến phao) để xếp dỡ hàng hóa, vận chuyển hành khách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Dự án được triển khai xây dựng tháng 4/2008 và được công bố đưa vào sử dụng tháng 6/2013 với tổng chi phí đầu tư xây dựng dự án là 157,62 tỷ, nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Năm 2013, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức đấu thầu cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới với bên thuê là Liên danh Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải Sài Gòn - Công ty cổ phần Hàng hải và Đầu tư phát triển Hiệp Phước.
Do Bbên thuê vi phạm 2 quy định của Hợp đồng nên Cục Hàng hải Việt Nam đã đơn phương chấm dứt Hợp đồng vào ngày 1/1/2021.
Năm 2022, Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục tổ chức đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới với bên thuê là Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Namaste và Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn.
Với trách nhiệm của bên cho thuê, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc họp và ban hành nhiều văn bản yêu cầu bên thuê thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của Hợp đồng nhưng bên thuê vẫn không thực hiện các thủ tục để đưa cảng biển An Thới vào khai thác, không nộp đủ tiền thuê, không thực hiện bảo đảm Hợp đồng.
Căn cứ quy định của Hợp đồng, Cục Hàng hải Việt Nam đã đơn phương chấm dứt Hợp đồng vào ngày 18/2/2024.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, quá trình quản lý, khai thác cảng biển An Thới trong vừa qua vẫn còn tồn tại các khó khăn, vướng mắc dẫn tới cảng biển An Thới khai thác không hiệu quả như mục tiêu đầu tư xây dựng.
Tại Phú Quốc hiện không có khu công nghiệp, không có cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu nên không có hàng hóa xuất nhập khẩu. Hàng hóa chủ yếu là vật liệu xây dựng phục vụ các công trình xây dựng dân dụng, các loại hàng hóa liên quan đến dân sinh nhưng do cảng nằm ở khu vực phía Nam của đảo, cách xa các dự án, công trình đang thi công, nếu xếp, dỡ hàng hóa tại cảng An Thới sẽ phải mất công đoạn vận chuyển trên đường bộ gây tốn kém chi phí.
Bên cạnh đó, cảng biển An Thới được Nhà nước đầu tư xây dựng không có trang thiết bị khai thác cảng đi kèm nên đơn vị thuê phải đầu tư trang thiết bị cần thiết để khai thác hàng tổng hợp; đường kết nối vào cảng biển An Thới chật hẹp, hai bên đường là chợ dân sinh nên các phương tiện di chuyển vào cảng rất khó khăn; hoạt động dân sinh diễn ra rất phức tạp tại cảng biển An Thới.