Đề xuất dùng 1 triệu tỷ vốn đầu tư công ở ngân hàng để hỗ trợ lao động
Đại biểu cho rằng có thể dùng 1 triệu tỷ đồng ngân sách đang gửi ngân hàng để hỗ trợ ngay cho người lao động hay xây dựng khu nhà ở cho công nhân... để kích cầu cho nền kinh tế.
Ngày 31/5, Quốc hội tiến hành thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 và những tháng đầu năm.
Lo ngại khi tốc độ tăng trưởng của các tháng đầu năm chậm, hoạt động sản xuất kinh doanh đang rất khó khăn, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) dẫn chứng tổng số doanh nghiệp thành lập mới giảm, số doanh nghiệp tạm ngừng, giải thể tăng.
"Doanh nghiệp nội địa đang đứng trước nguy cơ giải thể, phá sản hoặc bị thâu tóm. Hiện nay, các tập đoàn Thái Lan đang sở hữu nhiều doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam và thu hàng tỷ USD tiền cổ tức", ông nói.
Doanh nghiệp khát vốn nhưng khó tiếp cận
Theo đại biểu tỉnh Quảng Trị, doanh nghiệp đang khát vốn để phát triển nhưng rất khó tiếp cận. Lãi suất cho doanh nghiệp vay vẫn còn ở mức cao hoặc tiếp cận với lãi suất thấp thì thủ tục còn nhiều rườm rà nên doanh nghiệp có tiếp cận với nguồn vốn để phục hồi, phát triển sản xuất.
Trước thực trạng trên, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) cho rằng cần khởi động lại các động lực phát triển qua những dự án đầu tư để ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong bối cảnh khó khăn.
"Tuy nhiên thời gian lập, thẩm định các dự án còn dài, phê duyệt dự án còn chậm khiến nguồn lực đưa vào nền kinh tế bị chậm. Việc sử dụng hiệu quả nguồn lực chi tiêu công cũng là nguồn lực rất lớn để khuyến kích, kích cầu nền kinh tế, sản xuất và tiêu dùng", vị đại biểu đánh giá.
Theo đại biểu Tuấn, hiện nay tồn dư ngân sách Nhà nước gửi hệ thống ngân hàng còn tới 1 triệu tỷ đồng. "Đây là con số dư thừa rất lớn, chúng ta có thể sử dụng linh hoạt hỗ trợ ngay cho người lao động, mất việc làm hay xây dựng khu nhà ở cho công nhân, đào tạo nghề... để ổn định, kích cầu ngay cho nền kinh tế", đại biểu đề xuất.
Ngoài ra, vị đại biểu cho biết hiện nay doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận các ưu đãi tín dụng do thủ tục phức tạp. Đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó trong các tài sản đảm bảo.
"Cùng với các chính sách như giảm thuế VAT mở rộng cho tất cả đối tượng, giảm thiểu các thủ tục trong việc vay vốn hỗ trợ cho các đối tượng ưu tiên… cũng sẽ góp phần kích thích nền kinh tế", đại biểu TP.HCM nhìn nhận.
Phải tập trung mọi nỗ lực để vực dậy doanh nghiệp
Tương tự, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng Chính phủ cần rà soát những vướng mắc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp... Doanh nghiệp được ví như xương sống của nền kinh tế. Doanh nghiệp phát triển thì đất nước hưng thịnh, doanh nghiệp suy yếu thì nền kinh tế khó khăn", đại biểu nhìn nhận.
Theo đó, ông đề nghị Chính phủ cần chọn khâu đột phá trong thời gian tới là tập trung mọi nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để phục hồi, vực dậy, phát triển doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải sống thật, sống khỏe, cường tráng thì đất nước mới cường thịnh.
Doanh nghiệp được ví như xương sống của nền kinh tế. Doanh nghiệp phát triển thì đất nước hưng thịnh, doanh nghiệp suy yếu thì nền kinh tế khó khăn
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị)
Trước tiên, cần rà soát, tháo gỡ ngay những rào cản về thể chế, về các quy định cứng nhắc, siết chặt quá mức; hạn chế các cuộc thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp. "Bên cạnh đó cần khơi thông dòng vốn tín dụng, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp", vị đại biểu đề nghị.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng khẳng định khi và chỉ khi chúng ta thực sự quyết liệt tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp mới có cơ may phục hồi và phát triển. Do đó, đất nước cũng như các địa phương mới có cơ sở để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng.