Đề xuất dùng bộ tiêu chí chấm điểm doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa
Tại hội thảo 'Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch' tổ chức chiều 27/5 tại Ninh Bình, ông Vũ Quốc Trí - Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam - trình bày kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch của Hiệp hội, được thực hiện từ đầu năm 2023 đến 30/6/2024. Kế hoạch nhấn mạnh việc triển khai Bộ tiêu chí công nhận Doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa và Ứng dụng quản lý rác thải nhựa.
Không dễ giảm rác thải nhựa trong khu du lịch
Thời gian qua, khu du lịch sinh thái Tràng An triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện việc giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch.
Tiêu biểu là các hoạt động như: thay túi nilon bằng túi giấy, không sử dụng ống hút nhựa mà thay bằng nước đóng chai thủy tinh, tái chế chai nhựa làm phao nổi, sử dụng bát đũa thủy tinh, gỗ thay vì nhựa dùng một lần, thường xuyên vệ sinh môi trường, cảnh quan khuôn viên điểm du lịch, thu gom và phân loại rác từ nguồn, bỏ rác đúng nơi quy định…
Khu du lịch sinh thái Tràng An chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, người lao động hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch về bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa. Các hoạt động bảo vệ môi trường đã nhận được phản hồi và ấn tượng tốt từ phía người sử dụng các dịch vụ.
Năm 2022, Việt Nam thải ra 2,4 triệu tấn rác thải nhựa, tái chế 0,77 triệu tấn, thải ra môi trường 0,42 triệu tấn.
Tuy nhiên, đại diện khu du lịch sinh thái này cũng cho biết, việc ứng dụng, thực hiện dự án này còn một số khó khăn, hạn chế.
Đó là chi phí đầu tư ban đầu cao, chưa có sự đồng bộ giữa việc thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa trong và ngoài các khu du lịch, du khách đến từ nhiều nơi nên còn mang theo rác thải nhựa trong lịch trình di chuyển, một số điểm tập kết rác thải dân sinh ảnh hưởng đến mỹ quan khu du lịch…
Từ thực tế đó, tại hội thảo Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch tổ chức chiều 27/5 tại Ninh Bình, các đại biểu thảo luận, chia sẻ một số ứng dụng, mô hình hay nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch.
Nhiều đại biểu đề xuất giải pháp như: tập trung tập huấn kiến thức, kỹ năng đào tạo cán bộ, người lao động trở thành người tiên phong, làm gương để mỗi điểm đến sẽ là điểm sáng điển hình về giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch xanh, bền vững...
Chấm điểm các doanh nghiệp theo tiêu chí bảo vệ môi trường
Ông Vũ Quốc Trí - Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam - trình bày kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch của Hiệp hội, được thực hiện từ đầu năm 2023 đến 30/6/2024.
Mục tiêu cụ thể của kế hoạch này là nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân, khách du lịch về giảm thiểu rác thải nhựa, kỳ vọng các giải pháp, sáng kiến được triển khai thí điểm tại một số khách sạn, nhà hàng, doanh nghiệp lữ hành, điểm du lịch,…tại 2 tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam.
Ông Vũ Quốc Trí cho biết, năm nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch này là: nâng cao nhận thức nhằm thay đổi hành vi, tham gia xây dựng, phổ biến, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch, triển khai thực hiện Bộ tiêu chí công nhận Doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa và Ứng dụng quản lý rác thải nhựa, xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch xanh, không rác thải nhựa, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về giảm thiểu rác thải nhựa cho đội ngũ cán bộ của các đơn vị thành viên Hiệp hội Du lịch Việt Nam.
Bộ tiêu chí công nhận Doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa gồm 4 nhóm tiêu chí chung, chia thành 18 tiêu chí. Đơn vị sẽ tự thực hiện đánh giá tất cả các tiêu chí chung và riêng, chấm điểm “có” và “không” cho mỗi tiêu chí. Trong đó “có” (là đã thực hiện theo yêu cầu của tiêu chí) và được tính là 1 điểm và “không” (chưa thực hiện hoặc chỉ thực hiện được 1 phần theo yêu cầu của tiêu chí) và được tính là 0 điểm.
Căn cứ vào thang điểm đã chấm, xếp loại “đạt” với cơ sở đạt tối thiểu 60% “có” cho mỗi mục tại các phần và “không đạt” với cơ sở không đạt đủ 60% “có” cho mỗi mục tại các phần.
Bộ tiêu chí cũng công nhận nhãn hiệu “Doanh nghiệp không rác thải nhựa” đối với các doanh nghiệp, điểm đến thu được tổng điểm lớn hơn hoặc bằng 60% số điểm “đạt”.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ thành lập tổ thẩm định thực hiện đánh giá độc lập, áp dụng Bộ tiêu chí.
Tại hội thảo, chuyên gia của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cũng gợi ý một số giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa như: mang theo bình nước cá nhân và nạp đầy nước thay vì dùng nước trong chai nhựa rồi thải bỏ, mang làn đi chợ hoặc dùng túi có thể tái sử dụng khi đi mua sắm, dùng lá bọc gói thực phẩm, bỏ rác đúng nơi quy định, thu gom, phân loại rác tại nguồn (tại nhà, nơi làm việc, nơi tổ chức sự kiện…).