Đề xuất dùng đất đào từ sân bay Long Thành làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Một trong những khó khăn lớn của dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đó là nguồn đất đắp.
Tìm nguồn đất đắp cho cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Ngày 19/1, ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND tỉnh có buổi làm việc với các đơn vị liên quan về tình hình nguồn vật liệu phục vụ dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, đoạn qua Đồng Nai.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài hơn 34km được chia làm hai dự án thành phần 1 và 2. Hiện dự án đang gặp khó khăn nguồn vật liệu đất san lấp, đắp nền.
Theo tính toán, dự án qua Đồng Nai cần khoảng 5,7 triệu m3 đất đắp để thi công nhưng hiện nguồn cung chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Gần đây ngoài các vị trí mỏ đã quy hoạch các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát thêm một số vị trí mới để kiến nghị cấp phép khai thác để phục vụ thi công.
Tại buổi làm việc, đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường Đồng Nai đề xuất sử dụng nguồn đất đắp khoảng 187ha thuộc dự án sân bay Long Thành (trữ lượng khoảng 18 triệu m3) phục vụ thi công dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Điểm thuận lợi là hiện trữ lượng đất này do tỉnh Đồng Nai quản lý.
Ông Võ Văn Phi đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai, Ban Quản lý dự án 85 (Bộ GTVT) và các địa phương rà soát các vị trí để xin thủ tục cấp phép khai thác đất theo đúng quy định.
Riêng đề xuất sử dụng đất trong dự án Sân bay Long Thành để làm cao tốc, ông Phi cũng đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường rà soát các thủ tục liên quan để tham mưu UBND tỉnh quyết định phương án.
Mặt bằng là điểm nghẽn của dự án
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, đến nay, đối với dự án thành phần 1 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu mới bàn giao mặt bằng được hơn 7ha. Vì vậy dự án thành phần 1 chưa thể triển khai thi công.
Hơn nữa dự án này đang gặp khó khăn vì phát hiện 700 căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở phạm vi triển khai dự án (phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa). Tới nay cơ quan chức năng đang xác định các khu đất này và xác minh nguồn gốc đất.
Cũng tại dự án thành phần 1, dù cơ quan chức năng đã thông báo đến nhận tiền bồi thường nhưng mới có một số hộ đến làm thủ tục.
Riêng dự án thành phần 2, mặt bằng bàn giao đạt khoảng 15% nên các nhà thầu đã triển khai một số mũi thi công. Phương châm có mặt bằng đến đâu thi công đến đó.
Các nhà thầu đã huy động hơn 200 nhân lực cùng 60 máy móc thiết bị tổ chức thi công và đã thi công xong 111 cọc khoan nhồi.
Nhà thầu cũng triển khai 6 mũi thi công đúc dầm cầu, 4 mũi thi công hoàn thành 111 cọc khoan nhồi và đổ bê tông hầm chui tại Km 33+105.
Đồng thời tiếp tục thi công vị trí các hầm chui Km 17+971, Km 34+214, hầm chui nối dài tại nút Long Thành; tổ chức 4 mũi thi công đào bóc hữu cơ, đắp thử đất K95, thi công cống, cấu kiện đúc sẵn…