Đề xuất giá điện gánh thêm khoản lỗ của EVN là trái pháp luật
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, không có bất kỳ quy định nào được hạch toán lỗ do khách quan hay chủ quan cho bất cứ loại hàng hóa, dịch vụ nào trong nền kinh tế.
Điểm mới tại dự thảo quyết định sửa đổi Quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, được Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng là giá bán lẻ điện bình quân dự kiến tính thêm chênh lệch tỷ giá, lỗ sản xuất kinh doanh.
Phóng viên Báo Giao thông có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá xung quanh đề xuất mới này.
Đề xuất trái với quy định pháp luật
Thưa ông, ông có bình luận gì về việc Bộ Công thương sửa đổi Quyết định 24 theo hướng: Công thức giá phản ánh cả các khoản lỗ chi phí đầu tư sản xuất kinh doanh của EVN?
Cần phải bỏ ngay đề xuất này.
Bởi lẽ, đề xuất này trái với quy định pháp luật về giá điện hiện hành, đặc biệt là Luật Giá 2012.
Cụ thể, Luật Giá 2012 (Khoản 1 Điều 20) quy định rõ: "`Nhà nước quản lý giá theo cơ chế thị trường, với nguyên tắc xuyên suốt là giá phải "đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ".
Không có bất kỳ quy định nào được hạch toán lỗ do khách quan hay chủ quan cho bất cứ loại hàng hóa, dịch vụ nào trong nền kinh tế.
Đây cũng là điều chưa có trong tiền lệ.
Nếu cộng lỗ, giá điện tăng thêm không dưới 20%.
Ông có lo ngại rằng khi phản ánh hết các chi phí, các khoản lỗ đầu tư kinh doanh của EVN thì giá điện có thể sẽ tăng sốc trong những lần điều chỉnh tới đây?
Điều đó là đương nhiên và không thể bàn cãi.
Đơn cử, năm 2022, EVN báo lỗ hơn 26.000 tỷ đồng. Nếu được tính hết khoản lỗ này vào giá thì mức giá mới phải tăng hơn không dưới 20%.
Việc lỗ của EVN có trách nhiệm của cả EVN và Bộ Công thương, đừng đổ lên đầu dân.
Cụ thể, trách nhiệm đó là gì, thưa ông?
Ai làm ngành điện bị lỗ? Chúng ta phải giải quyết câu hỏi này. Nhiều người nói EVN độc quyền mà còn lỗ. Tôi đã giải thích rồi nhưng nhiều người cố tình không hiểu. Ngành nào cũng thế, mua cao bán thấp là lỗ.
EVN phải mua đầu vào để sản xuất, đầu vào theo thị trường, dầu, than, khí... Đầu ra thì ổn định, không được tăng. Đương nhiên khi đó chi phí sản xuất cao hơn giá bán ra. Như vậy lỗ là tất yếu.
Không ai cộng lỗ đó vào giá mà EVN phải tự xử lý dòng tiền đó. Tôi làm giá tôi chỉ quan tâm chi phí là bao nhiêu, mức giá nào là đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất và có lãi, như thế mới đảm bảo dòng tiền để sản xuất bình thường.
Quyết định 24 của Thủ tướng đã quy định rõ được phép 6 tháng điều chỉnh giá điện một lần nếu chi phí đầu vào thay đổi, biến động. Nếu điều chỉnh tăng 3% sẽ do EVN tự quyết định, còn 10% trở lên sẽ do Thủ tướng quyết định.
Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021. Nhưng tại sao EVN không điều chỉnh? Được quyền điều chỉnh giá 3% thuộc thẩm quyền mà EVN không dám làm thì đó là trách nhiệm của ông.
Đây là quyền của EVN sao ông không điều chỉnh. Tại sao EVN không làm hay EVN không được phép làm thì phải giải trình rõ.
Thực ra, tôi hiểu EVN không dám làm vì họ sợ nhiều thứ, trong đó có phản ứng từ dư luận.
Còn Bộ Công thương, phải có trách nhiệm rà soát các khoản chi phí được phép tính vào giá bán lẻ điện theo quy định nhưng chưa được tính là những khoản chi phí nào, làm cơ sở để xác định các chi phí khác trong công thức tính giá cho phù hợp với thực tế.
Tạo ra áp lực phải đưa lỗ vào giá tràn lan
Thực chất hiện nay khoản lỗ chênh lệch tỷ giá của EVN vẫn treo hàng nghìn tỷ đồng, chỉ được phân bổ ít ỏi mỗi lần tính toán điều chỉnh giá điện. Phải chăng việc cho phép tính toán các khoản lỗ đầu tư kinh doanh của EVN vào giá điện cũng gặp cảnh tương tự nếu không có người dám quyết định?
Đúng vậy. Vì quyết định đó không đúng luật hiện hành, không đúng với cơ chế giá thị trường mà chúng ta đang theo đuổi phù hợp với cam kết quốc tế.
Quyết định đó sẽ buộc chúng ta quay lại cơ chế bù giá, bù lỗ trước đây mà chúng ta đã đoạn tuyệt.
Nguy hại hơn, nó sẽ tạo ra áp lực phải đưa lỗ vào giá tràn lan các ngành khác trong nền kinh tế, làm thui chột động lực hiệu quả của sản xuất kinh doanh.
Do đó cần tăng tính minh bạch và giám sát thị trường trong việc đưa ra cơ chế xác định giá phù hợp với sự phát triển của thị trường điện cạnh tranh trong thời gian tới.
Vậy, theo ông, EVN, Bộ Công thương, Chính phủ cần có giải pháp gì để minh bạch hơn điều chỉnh giá điện, để giảm đi phản ứng của người dân mỗi lần giá điện thay đổi?
Về tổng quát là phải công khai lộ trình, kết quả tái cơ cấu ngành điện để giảm độc quyền ở những khâu còn độc quyền, trừ truyền tải. Công khai kết quả kiểm toán hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ cấu nguồn, tỷ trọng tiêu dùng điện.
Về cụ thể là công khai cách tính giá thành, giá bán một cách chi tiết, cụ thể từng yếu tố, từng khoản mực theo quy định của pháp luật.
Cần thúc đẩy thị trường bán lẻ điện cạnh tranh
Một điểm mới khác là cho phép 3 tháng điều chỉnh giá 1 lần, theo ông có khả thi không khi Quyết định 24 cho phép 6 tháng điều chỉnh 1 lần, mà 4 năm mới chỉ tăng giá 3%?
Thực ra cho phép điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần không phải là vấn đề mới mà ngay từ năm 2011 tại Quyết định 24/2011/QĐ-TTg ngày 15/4/2011, Thủ tướng Chính phủ đã quy định "Thời gian điều chỉnh giá bán điện giữa 2 lần liên tiếp tối thiểu là 3 tháng".
Sau đó, tại Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg rồi đến Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 đã quy định "thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất".
Tuy nhiên đến nay, có thể nói tất cả các quyết định trên đều không thực hiện được.
Tôi cho rằng, nguyên nhân vì sao "không dám làm" thì EVN, Bộ Công thương phải kiểm điểm làm rõ, "ai không cho làm", áp lực nào không thể làm thì EVN và Bộ Công thương cần minh bạch để công luận hiểu, đồng thuận… Nếu không các quyết định trên chỉ là hình thức.
Ông có tin vào việc khi công thức tính giá điện được phản ánh hết chi phí và 3 tháng điều chỉnh 1 lần thì giá điện sẽ có tăng có giảm, thay vì mỗi lần điều chỉnh là chỉ tăng giá?
Thời gian không phải là yếu tố quyết định giá tăng hay giá giảm mà giá tăng hay giảm được quyết định bởi yếu tố đầu vào tăng hay giảm.
Tôi chỉ tin vào điều đó khi nào chúng ta thực hiện đúng quy định tại Khoản 2 Điều 20 Luật Giá 2012 "kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi" và khi chúng ta có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thì giá điện mới có thể lên xuống linh hoạt theo tín hiệu thị trường mà không phải chờ "đến hẹn mới được lên".
Với đề xuất giá điện tính thêm các khoản lỗ của EVN, qua rà soát quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, không có quy định nào về phương án phân bổ các khoản lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh và chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ điện, cũng như thẩm quyền của Thủ tướng quyết định với nội dung này.
Bộ này cho rằng, Bộ Công thương với tư cách là cơ quan có trách nhiệm phải kiểm tra chi phí giá thành của EVN hằng năm, trước khi phê duyệt các chi phí này để sát với thực tế.