Đề xuất giáo viên không phải trả kinh phí để nâng chuẩn trình độ

Bộ GD&ĐT đề xuất, giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn được thanh toán kinh phí sau khi được cấp bằng tốt nghiệp.

Cô - trò Trường tiểu học Trần Quang Cơ (Quận 12, TP Hồ Chí Minh).

Cô - trò Trường tiểu học Trần Quang Cơ (Quận 12, TP Hồ Chí Minh).

Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.

Bộ GD&ĐT cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, lộ trình đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS đã thực hiện được gần 4 năm, giúp tăng đáng kể tỷ lệ giáo viên mầm non, tiểu học, THCS đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định.

Theo đó, nhiều địa phương đã đạt mục tiêu đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên giai đoạn 1 (2020 – 2025) và dự kiến sẽ hoàn thành lộ trình đào tạo trước thời hạn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 71 còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc.

Dự thảo Nghị định đề xuất phương thức thực hiện đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên. Theo đó, với phương thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng, dự thảo đề xuất: Địa phương giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng cơ sở đào tạo thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên theo kế hoạch được phê duyệt.

Việc giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên thực hiện theo các quy định hiện hành về giao nhiệm vụ, đặt hàng sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Đối với các ngành hoặc chuyên ngành không đủ điều kiện mở lớp đào tạo theo phương thức quy định tại khoản 1 Điều này, địa phương thông báo bằng văn bản để giáo viên chủ động lựa chọn, đăng ký học nâng trình độ chuẩn trực tiếp với cơ sở đào tạo.

Việc đào tạo nâng trình độ chuẩn theo quy định tại khoản này phải được sự đồng ý bằng văn bản của hiệu trưởng hoặc giám đốc cơ sở giáo dục nơi giáo viên đang công tác và báo cáo cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở giáo dục. Văn bản đồng ý phải có thông tin về ngành hoặc chuyên ngành đào tạo, cơ sở đào tạo, thời gian đào tạo.”

Kinh phí thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên (công lập, dân lập, tư thục) do ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật; ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương khi chưa cân đối được ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Việc lập dự toán, phân bổ, giao dự toán và thanh toán kinh phí thực hiện cho cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan. Đơn giá thực hiện giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng được xác định bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng.

Giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định này được thanh toán kinh phí đào tạo bằng mức thu học phí theo hóa đơn của cơ sở đào tạo sau khi được cấp bằng tốt nghiệp. Việc thanh toán kinh phí đào tạo thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục bảo đảm kinh phí để chi trả các chế độ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 10 Nghị định này cho giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn”.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/de-xuat-giao-vien-khong-phai-tra-kinh-phi-de-nang-chuan-trinh-do-post694760.html