Đề xuất hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do chuyển đổi công nghệ
Theo ĐBQH, cần bổ sung vào Luật Việc làm các quy định về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, trong đó việc xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng số cho người lao động đáp ứng chuyển đổi số.
Sáng 7/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề xuất bổ sung quy định "Ưu tiên hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân là động lực chính trong tạo việc làm bền vững".
Theo đại biểu, quy định này thể hiện vai trò của kinh tế tư nhân trong tạo việc làm bền vững và khẳng định cam kết của Nhà nước về môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng.
Đại biểu Trần Văn Khải cũng đề xuất mở rộng chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tạo nhiều việc làm; giao Chính phủ quy định cụ thể các hỗ trợ tương ứng.

Đại biểu Trần Văn Khải đề xuất quy định hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do chuyển đổi công nghệ.
Lý giải về đề xuất này, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật hiện đang thiếu quy định hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đào tạo kỹ năng số cho người lao động. Điều này có thể khiến Việt Nam tụt hậu, người lao động lỡ cơ hội việc làm mới và doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh. Đồng thời, chưa đề cập cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả trong triển khai chính sách việc làm.
Ngoài ra, ông Khải cũng đề nghị bổ sung thêm các quy định hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc nhóm được vay vốn với lãi suất ưu đãi, xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng số cho người lao động đáp ứng chuyển đổi số, phát triển sàn giao dịch việc làm trực tuyến tích hợp toàn quốc. Theo đại biểu, những chính sách khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ giúp người lao động và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin tuyển dụng.
Đề nghị bổ sung chính sách tái đào tạo lao động gắn với ứng dụng công nghệ thông tin
Góp ý về vấn đề tái đào tạo nghề nghiệp cho lao động, đại biểu Lý Anh Thư - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đề xuất, bổ sung quy định "Hỗ trợ người lao động tái đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp gắn với nhu cầu thị trường lao động, thích ứng với nền công nghệ số,..".
Theo đại biểu, một nền tảng pháp lý để triển khai có hiệu quả chính sách tái đào tạo nghề nghiệp cho người lao động, từng bước giảm áp lực chi trả bảo hiểm thất nghiệp bằng cách tăng tỷ lệ quay trở lại thị trường lao động.
Đối với người lao động, quy định cũng giúp nâng cao ý thức chủ động học tập, nâng cao năng suất lao động, tìm kiếm việc làm mới thông qua cập nhật kỹ năng mới phù hợp với kinh tế số, từ đó tăng cường mạnh mẽ năng lực cạnh tranh của lực lượng lao động Việt Nam.
Về chương trình "Đầu tư, xây dựng chương trình, chính sách đào tạo kỹ năng, nghề nghiệp phù hợp đối với người lao động mất việc làm để nhanh chóng tái hòa nhập thị trường lao động" được nêu tại dự thảo, đại biểu đề xuất lấy nguồn ngân sách từ Quỹ trợ cấp thất nghiệp.
"Việc mở rộng mục tiêu sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ tái đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp có định hướng thay vì chỉ chỉ học nghề ngắn hạn sẽ không làm phát sinh quỹ mới, mà chỉ là cơ cấu lại tỷ trọng ngân sách theo hướng chủ động, từ đó góp phần vào thực hiện chính sách hiệu quả, ổn định hơn", đại biểu Lý Anh Thư nhận định.