Đề xuất lập hội đồng đánh giá rủi ro trong nghiên cứu khoa học

Các đại biểu bày tỏ ủng hộ luật hóa tinh thần 'chấp nhận rủi ro' trong nghiên cứu khoa học nhưng đề nghị làm rõ nội hàm của việc này, tránh lạm dụng.

Chiều 13-5, tại phiên thảo luận hội trường, các đại biểu (ĐB) đã thảo luận về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST).

Vấn đề được các ĐB quan tâm liên quan đến cơ chế chấp nhận rủi ro, cơ chế thử nghiệm hay vai trò của người đứng đầu trong hoạt động KHCN, ĐMST...

 ĐB Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An). Ảnh: QH

ĐB Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An). Ảnh: QH

Lập hội đồng đánh giá rủi ro

ĐB Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) đánh giá quy định chấp nhận rủi ro trong hoạt động KH,CN&ĐMST là rất tiến bộ, tạo hành lang pháp lý, hỗ trợ tinh thần sáng tạo và thử nghiệm, khắc phục nhiều điểm nghẽn lớn hiện nay về chính sách nghiên cứu KH,CN&ĐMST.

Tuy nhiên, bà Dung đề nghị làm rõ ranh giới giữa rủi ro được chấp nhận và vi phạm pháp luật để tránh lạm dụng. Theo bà, những rủi ro có thể xảy ra liên quan đến đạo đức, môi trường, con người… rất khó lường trước hay đong đếm bằng con số cụ thể.

“Cần bổ sung quy định khung chung về cơ chế đánh giá, phê duyệt, đánh giá rủi ro và giao Chính phủ quy định chi tiết” - ĐB Mỹ Dung đề xuất và cho rằng cần coi đây là thủ tục bắt buộc trước khi thực hiện các nhiệm vụ KH,CN&ĐMST.

Nói về nguyên tắc loại trừ trách nhiệm trong hoạt động thử nghiệm quy định tại Điều 21 dự luật, nữ ĐB đoàn Long An đề nghị làm rõ thế nào là “đã biết” hoặc “buộc phải biết”. Theo bà Dung, đây là yếu tố then chốt của vấn đề nhưng dễ gây tranh cãi pháp lý nếu như không được giải thích cụ thể. Đồng thời, cần giới hạn loại trừ áp dụng trong khung khổ của chương trình thử nghiệm đã được phê duyệt, tránh suy diễn áp dụng ngoài các hoạt động của phạm vi thử nghiệm.

 ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). Ảnh: QH

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). Ảnh: QH

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cũng bày tỏ ủng hộ luật hóa tinh thần “chấp nhận rủi ro”, bởi bản chất của nghiên cứu và ĐMST là chấp nhận thất bại có kiểm soát. Tuy nhiên, bà Nga cho rằng nếu không có cơ chế minh bạch thì quy định này dễ bị lạm dụng.

Đồng tình với ĐB Mỹ Dung về việc cần làm rõ ranh giới giữa rủi ro chấp nhận được với sai phạm không thể miễn trừ, bà Việt Nga đề nghị thành lập hội đồng đánh giá rủi ro có chuyên môn sâu và độc lập. Đồng thời, thiết lập quỹ riêng cho nghiên cứu mạo hiểm, vận hành theo cơ chế “đầu tư rủi ro công”, đánh giá dựa trên tiềm năng sáng tạo chứ không chỉ là đầu ra hữu hình.

 ĐB Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn). Ảnh: QJ

ĐB Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn). Ảnh: QJ

Tránh tình trạng thử nghiệm tràn lan

Góp ý về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox), ĐB Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn), khẳng định tiêu chí lựa chọn dự án thử nghiệm là hết sức quan trọng, phải được xác định rõ trong luật.

Ông Nghĩa đề nghị bổ sung các tiêu chí lựa chọn dự án thử nghiệm như có tính ĐMST cao, ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ số hoặc công nghệ xanh; có tiềm năng tác động kinh tế - xã hội đáng kể; có kế hoạch quản lý rủi ro rõ ràng…

Ngoài ra, ĐB Nghĩa cũng đề nghị bổ sung các tiêu chí, thẩm quyền quyết định việc miễn trừ bởi dự luật chưa quy định cụ thể. Đồng thời, sửa đổi quy định tương ứng trong BLHS để khuyến khích ĐMST hợp pháp nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm và tránh tình trạng thử nghiệm tràn lan…

 ĐB Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP Hà Nội). Ảnh: QH

ĐB Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP Hà Nội). Ảnh: QH

Trong khi đó, ĐB Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP Hà Nội) đặt vấn đề về trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác KH,CN&ĐMST.

Theo bà Hà, ở đâu mà người đứng đầu thể hiện vai trò tiên phong trong nâng cao năng lực số, ứng dụng công nghệ và thúc đẩy ĐMST thì hoạt động khoa học, công nghệ tại đó có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Dẫn chứng việc triển khai Đề án 06 và phát triển ứng dụng VNeID, bà Hà khẳng định đây là minh chứng sinh động cho hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện chuyển đổi số.

“Tuy nhiên, dự thảo luật chưa thể chế hóa đầy đủ nội dung rất quan trọng này” - bà Trần Thị Nhị Hà nói và đề nghị bổ sung quy định rõ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu trực tiếp phụ trách, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH,CN&ĐMST.•

Đặt đổi mới sáng tạo ngang hàng với khoa học công nghệ

Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá đây là dự án luật có ảnh hưởng rất lớn, quyết định đối với sự phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Ông Hùng nhấn mạnh KHCN là “nền” của một quốc gia, KHCN hưng thịnh thì quốc gia đó mới hưng thịnh, KHCN mạnh thì quốc gia mới mạnh. “Một quốc gia muốn trở thành cường quốc thì phải là cường quốc về KH,CN&ĐMST. Một quốc gia trở thành nước phát triển phải là quốc gia có KH,CN&ĐMST phát triển” - ông Hùng nói.

Theo bộ trưởng Bộ KH&CN, đổi mới quan trọng nhất khi sửa đổi luật lần này là KHCN của Việt Nam hướng tới ĐMST nên vừa sửa luật, vừa sửa tên của luật.

“Tức là hướng tới ứng dụng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân” - Bộ trưởng nói và nhấn mạnh lần đầu tiên, ĐMST được đưa vào dự thảo luật, được đặt ngang hàng với KHCN.

Theo ông, đây là sự thay đổi căn bản trong tư duy phát triển của Việt Nam. Nhấn mạnh ĐMST là nhấn mạnh vai trò thúc đẩy ứng dụng của KHCN trong thực tiễn, góp phần gia tăng giá trị và hiệu quả kinh tế - xã hội.

“Nếu KHCN và ĐMST được kỳ vọng đóng góp 4% vào tăng trưởng GDP thì phần đóng góp từ ĐMST chiếm tới 3%, trong khi KHCN chiếm 1%. Qua đó, phản ánh rõ vai trò lan tỏa thực tiễn và mang tính toàn dân của ĐMST trong nền kinh tế hiện đại” - ông Hùng nói và cho biết các đại biểu yêu cầu đầu tư thêm cho nội dung ĐMST.

Cụ thể, về ý kiến đề nghị nâng mức chi KHCN, ĐMST từ 2% lên 3% ngân sách nhà nước, ông Hùng cho rằng “cũng nên xem xét” đề xuất thêm 1% này.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-lap-hoi-dong-danh-gia-rui-ro-trong-nghien-cuu-khoa-hoc-post849587.html