Đề xuất lập Tòa Phá sản và Tòa Sở hữu trí tuệ

Một trong những nội dung nổi bật được đề cập trong phiên họp Quốc hội sáng 8/5 là tinh gọn bộ máy, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong bối cảnh mới và thành lập các tòa chuyên trách, bao gồm Tòa Phá sản và Tòa Sở hữu trí tuệ.

Sáng 8/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã nghe Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Một trong những nội dung nổi bật được đề cập là tinh gọn bộ máy, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và thực tiễn xét xử trong bối cảnh mới và việc thành lập các tòa chuyên trách, bao gồm Tòa Phá sản và Tòa Sở hữu trí tuệ.

Chánh án TAND tối cao Lê Minh Trí trình bày Tờ trình dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Chánh án TAND tối cao Lê Minh Trí trình bày Tờ trình dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Theo Tờ trình, việc sửa đổi, bổ sung lần này nhằm cụ thể hóa các chủ trương quan trọng của Đảng tại các Nghị quyết 18, 27, 60 và Kết luận 135, hướng tới tinh gọn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án nhân dân các cấp. Mục tiêu là tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy hệ thống Tòa án nhân dân, bảo đảm tính thống nhất của pháp luật, phù hợp Hiến pháp.

Dự thảo sửa đổi 23 điều, một tên mục; bổ sung một điều mới; bãi bỏ 9 điều và hai khoản của luật hiện hành. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số điều của 14 luật liên quan để bảo đảm đồng bộ và hiệu lực thi hành.

Một điểm đột phá trong dự thảo luật là mô hình tổ chức hệ thống tòa án được tinh giản, tổ chức theo ba cấp: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân khu vực. Trong Tòa án nhân dân khu vực, các tòa sơ thẩm chuyên biệt hiện nay sẽ được chuyển đổi thành các tòa chuyên trách. Kết thúc hoạt động của Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân cấp huyện; thành lập Tòa án nhân dân khu vực; chuyển các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt thành các tòa chuyên trách trong Tòa án nhân dân khu vực.

Dự thảo luật quy định tại một số Tòa án nhân dân khu vực sẽ có Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ, với phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Dự kiến, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức ba Tòa Phá sản tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức hai Tòa Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Việc bố trí các tòa chuyên trách tại trung tâm kinh tế lớn nhằm nâng cao chất lượng xét xử các vụ việc phức tạp, đồng thời hiện thực hóa cam kết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút FDI. Việc thành lập không làm phát sinh đầu mối, không tăng biên chế hay yêu cầu trụ sở mới.

Quá trình xây dựng dự án luật được thực hiện công khai, minh bạch. Tòa án nhân dân tối cao đã lấy ý kiến từ nhiều cơ quan, tổ chức liên quan và từ nhân dân thông qua cổng thông tin điện tử, đồng thời tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội.

Cũng trong sáng 8/5, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật. Ủy ban tán thành với phạm vi sửa đổi tập trung vào sắp xếp, tinh gọn tổ chức Tòa án nhân dân theo mô hình ba cấp: Trung ương, tỉnh và khu vực, phù hợp với chủ trương tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, không có cấp huyện.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Về nhiệm vụ, quyền hạn giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân tối cao: Theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân hiện hành, Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ, quyền hạn giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị; Tòa án nhân dân cấp cao có nhiệm vụ, quyền hạn giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị. Do Tòa án nhân dân cấp cao kết thúc hoạt động, nên Tòa án nhân dân tối cao tiếp nhận nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân ba cấp. Cùng với việc giao nhiệm vụ này, dự thảo Luật đã có các quy định để giảm áp lực cho Tòa án nhân dân tối cao trong công tác giám đốc thẩm, tái thẩm, như: tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án nhân dân khu vực; bỏ thẩm quyền sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh đối với vụ việc dân sự, vụ án hành chính; giao Tòa án nhân dân cấp tỉnh giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực; đề xuất tăng số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao dự kiến sẽ điều chuyển cán bộ, Thẩm phán của các Tòa án nhân dân cấp cao về tăng cường cho các đơn vị làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ, tham mưu giải quyết án của Tòa án nhân dân tối cao, bảo đảm để Tòa án nhân dân tối cao hoàn thành được nhiệm vụ được giao.

Quốc hội nghe trình bày Tờ trình dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Quốc hội nghe trình bày Tờ trình dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Tuy nhiên, dự kiến số lượng vụ việc giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tối cao trong thời gian tới là khá lớn. Cùng với giải pháp về nâng cao chất lượng xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, tăng cường năng lực cho cán bộ, Thẩm phán, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tòa án, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục tổng kết thực tiễn kỹ lưỡng, nghiên cứu để kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp việc sửa đổi một số quy định của các luật tố tụng liên quan đến giám đốc thẩm, nhất là điều kiện nộp đơn đề nghị giám đốc thẩm, căn cứ kháng nghị, tránh việc lạm dụng thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm để khiếu nại tràn lan, không có điểm dừng, dồn việc lên Tòa án nhân dân tối cao.

Về việc thành lập Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận định: Thực tiễn cho thấy đây là các loại việc khó, đòi hỏi người tiến hành tố tụng có kiến thức chuyên sâu. Việc thành lập các tòa chuyên trách tại một số Tòa án nhân dân khu vực ở các trung tâm kinh tế lớn là phù hợp thực tiễn và yêu cầu hội nhập quốc tế. Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản tán thành với dự thảo luật.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị làm rõ tiêu chí, điều kiện thành lập các tòa chuyên trách; về việc bố trí nhân sự có trình độ cao, chuyên sâu cho các tòa này.

Trần Nam

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/de-xuat-lap-toa-pha-san-va-toa-so-huu-tri-tue-328006.htm