Đề xuất lấy đất nhà ga T3 sân bay Long Thành đắp cho cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Sở Tài nguyên - Môi trường Đồng Nai đã có báo cáo tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai về việc sử dụng đất của nhà ga T3 đắp cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu, bởi nguồn đất đắp cho cao tốc hiện nay rất thiếu.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Đồng Nai tham mưu về việc sử dụng nguồn đất từ khu vực quy hoạch ga T3 sân bay Long Thành (giai đoạn 2) để phục vụ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Xe máy thi công dự án thành phần 1 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Xe máy thi công dự án thành phần 1 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Theo đó, ngày 24/7, Sở đã có buổi làm việc với các đơn vị liên quan như Cảng vụ hàng không miền Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), các chủ đầu tư, các nhà thầu về việc sử dụng đất từ vị trí 187ha (quy hoạch làm nhà ga T3 giai đoạn 2) để đắp nền cao tốc (nhu cầu 5,2 triệu m3).

Sở Tài nguyên - Môi trường xác định vị trí 187ha đất quy hoạch làm nhà ga T3 đã được UBND tỉnh thu hồi để phục vụ xây dựng sân bay Long Thành. Hiện phần đất này do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai đang quản lý.

Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai cho khai thác đất khu vực quy hoạch nhà ga T3 dùng cho cao tốc.

Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai cho khai thác đất khu vực quy hoạch nhà ga T3 dùng cho cao tốc.

Do đó, trước nhu cầu về vật liệu san lấp cho cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Sở đề xuất giao các chủ đầu tư lập hồ sơ đăng ký nhu cầu sử dụng đất. Các đơn vị khai thác sẽ có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, nộp tiền cấp quyền và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định. Việc này sẽ được thực hiện sau khi UBND tỉnh Đồng nai phê duyệt đề xuất.

Trước mắt, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai (chủ đầu tư dự án thành phần 1) sẽ phối hợp Ban quản lý dự án 85 (chủ đầu tư dự án thành phần 2) triển khai đăng ký bổ sung khu vực khoáng sản tại khu vực 187ha vào hồ sơ khảo sát vật liệu phục vụ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Sau đó, sẽ trình các đơn vị liên quan, có thẩm quyền xem xét.

Quy trình lấy đất và các nghĩa vụ thuế sẽ được xác định chi tiết sau khi được chấp thuận.

Nhiều nhà thầu thi công cao tốc cũng chia sẻ khó khăn về vật liệu san lấp làm đội nhiều chi phí.

Nhiều nhà thầu thi công cao tốc cũng chia sẻ khó khăn về vật liệu san lấp làm đội nhiều chi phí.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu hiện đang cần trên 5 triệu m3 đất đắp nền và nguồn vật liệu này đang thiếu. Tỉnh Đồng Nai và các chủ đầu tư hiện đang nỗ lực tìm kiếm nguồn để đáp ứng nhu cầu này.

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, để triển khai các công việc kế tiếp, trước mắt các Ban QLDA của hai dự án thành phần sẽ phối hợp cùng các nhà thầu tùy theo nhu cầu sử dụng đất sẽ lập hồ sơ đăng ký và gửi cho Sở Tài nguyên và Môi trường trong thời gian sớm nhất.

Thông qua các số liệu đó, Sở sẽ xem xét và có hướng dẫn cụ thể cho từng đơn vị. Các đơn vị xin khai thác đất cũng sẽ phải có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoảng sản.

Ngoài ra, còn phải nộp tiền cấp quyền và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật. Cũng theo Sở này, hiện tại giai đoạn 1 Sân bay Long Thành đã hoàn thành công tác san nền nên độ cao giữa khu vực 187ha của giai đoạn 2 và giai đoạn 1 đang chênh nhau từ 8-10m nên việc lấy đất từ khu vực này để phục vụ cao tốc sẽ không phát sinh thêm thủ tục về đất đai.

Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh ký hợp đồng cho thuê mặt bằng ngắn hạn với đơn vị được giao lập hồ sơ khai thác. Nguồn thu từ cho thuê mặt bằng sẽ nộp về ngân sách Trung ương. Sở Tài chính sẽ chịu trách nhiệm tính toán kinh phí cho thuê đất để nộp vào ngân sách Nhà nước.

Theo Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai (chủ đầu tư dự án thành phần 1 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu), đoạn tuyến này có 2 gói thầu xây lắp.

Trong đó, gói thầu số số 18 thi công phân đoạn Km0+000-Km6+200 qua thành phố Biên Hòa do hiện nay mới bàn giao một phần đất giao thông, sông, suối, mặt bằng nhỏ, hẹp không liên tục nên khó triển khai thi công.

Một số đoạn công nhân đang làm các cấu kiện đúc sẵn trên bãi đúc, giá trị tích lũy được khoảng 0,6%.Còn gói thầu số 21 thi công phân đoạn Km6+200-Km16+000 qua huyện Long Thành được giao gần 4km đất dài liền khoảnh nên nhà thầu đã huy động máy móc, thiết bị và nhân công để triển khai 5 mũi thi công, đạt hơn 7%. Giải ngân đến nay mới được hơn 10% kế hoạch vốn.

Về công tác bàn giao mặt bằng đến nay đã bàn giao khoảng hơn 52ha. Theo các nhà thầu, việc chậm bàn giao mặt bằng, dẫn đến không triển khai thực hiện được gói thầu xây lắp theo đúng tiến độ.

Kéo dài thời gian triển khai hợp đồng, phải gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng, điều chỉnh tiến độ dự án và ảnh hưởng đến giá vật tư thi công công trình đồng thời có thể xảy ra tranh chấp hợp đồng thi công giữa nhà thầu và chủ đầu tư do chủ đầu tư chậm bàn giao mặt bằng.

Các đơn vị thi công cũng cho biết nhiều mỏ thương mại trên địa bàn ở khu vực Tân Cang có khả năng cung cấp vật liệu đất đắp cho dự án thành phần 1 nhưng do vướng thủ tục pháp lý nên cũng chưa đảm bảo được khai thác. Còn việc đề xuất mở các mỏ mới cũng khó khăn vì vướng nhiều thủ tục nên Ban QLDA và các nhà thầu vẫn tiếp tục chờ các đơn vị chức năng tháo gỡ, phục vụ thi công.

Nhiều nhà thầu than thở việc thiếu đất đắp khiến công nhân phải vừa thi công, vừa chờ đợi, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ dự án. Ngoài ra đây cũng là nguyên nhân dẫn đến quá trình thi công bị đội chi phí. Tương tự đối với dự án thành phần 2 các nhà thầu đã triển khai 34 mũi thi công với 375 nhân sự, 85 đầu máy thiết bị.

Ngoài ra, còn huy động 5 bộ giá long môn, 1 trạm trộn bê tông xi măng. Sản lượng đến nay đạt hơn 13% giá trị hợp đồng. Tại đây nhà thầu cũng triển khai làm phần đường, cầu, hầm chui, công tác thi công diễn ra tích cực ở những khu vực đã có mặt bằng. Các vị trí còn lại vẫn phải vừa thi công vừa chờ đất sạch.

Được biết UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã cam kết, hứa hẹn giao toàn bộ mặt bằng làm cao tốc trong tháng 7 này để đảm bảo thi công dự án.

Ban 85, chủ đầu tư dự án thành phần 2 cho biết công trường đang tổ chức các mũi thi công đồng loạt, nhưng điều họ đang lo lắng là nguồn đất đắp đang bị thiếu. Do đó thời gian qua Ban 85 cũng đã nhiều lần đề nghị địa phương tháo gỡ các thủ tục liên quan để thuận lợi đất đắp cho dự án.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được chia làm 3 dự án thành phần. Trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài hơn 30km gồm dự án thành phần 1 và dự án thành phần 2.

Trong đó, dự án thành phần 1 do mặt bằng bàn giao còn chưa liền mạch nên các nhà thầu chủ yếu làm cấu kiện đúc sẵn, đắp nền đường, làm cầu vượt ngang. Còn dự án thành phần 2, các nhà thầu đã triển khai 34 mũi thi công với 375 nhân sự, 85 đầu máy thiết bị. Sản lượng đến nay đạt khoảng khoảng trên 15% giá trị hợp đồng.

Tại đây nhà thầu triển khai làm phần đường, cầu, hầm chui, công tác thi công diễn ra tích cực ở những khu vực đã có mặt bằng. Các vị trí còn lại vẫn phải vừa thi công vừa chờ đất sạch và UBND tỉnh Đồng Nai đã cam kết giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 7.

Minh Tuệ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/de-xuat-lay-dat-nha-ga-t3-san-bay-long-thanh-dap-cho-cao-toc-bien-hoa-vung-tau-192240725071436484.htm