Đề xuất miễn thuế 2 năm, hỗ trợ để hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp
Để thúc đẩy hộ kinh doanh 'lên đời' doanh nghiệp, bên cạnh việc miễn thuế, các chuyên gia cho rằng cần có đồng bộ các giải pháp như hỗ trợ chi phí chuyển đổi số, chữ ký số, hóa đơn điện tử, thanh toán trực tuyến, hỗ trợ đăng ký kinh doanh.
Theo Bộ Tài chính, cả nước hiện có trên 5,2 triệu hộ kinh doanh, tạo ra 8 - 9 triệu việc làm, hoạt động đa dạng trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Ước tính, chỉ cần 20% trong số này phát triển thành doanh nghiệp thì đã bổ sung khoảng 1 triệu doanh nghiệp mới cho nền kinh tế, đủ hiện thực hóa mục tiêu tại Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, vào năm 2030.
Khi hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyên nghiệp hơn trong hoạt động, thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Để thúc đẩy hộ kinh doanh "lên đời" doanh nghiệp, tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ, cá nhân kinh doanh.
Cụ thể, các doanh nghiệp thành lập mới từ hộ kinh doanh sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm liên tiếp kể từ thời điểm phát sinh thu nhập chịu thuế, bao gồm cả cá nhân kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp, với điều kiện đáp ứng các nội dung quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 10 của Nghị định hướng dẫn.

Bộ Tài chính đề xuất doanh nghiệp thành lập mới từ hộ kinh doanh (bao gồm cá nhân kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp) được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế.
Thời gian miễn thuế thu nhập doanh nghiệp được tính liên tục từ năm đầu tiên doanh nghiệp phát sinh thu nhập chịu thuế. Trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong 3 năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu thì thời gian miễn thuế được tính từ năm thứ 4.
Nếu trong kỳ tính thuế đầu tiên, thời gian hoạt động sản xuất kinh doanh được miễn thuế dưới 12 tháng, doanh nghiệp có thể lựa chọn áp dụng miễn thuế ngay trong kỳ tính thuế đó hoặc đăng ký với cơ quan thuế để chuyển thời điểm bắt đầu miễn thuế sang kỳ tính thuế tiếp theo.
Trong trường hợp doanh nghiệp chọn thời gian miễn thuế từ kỳ tính thuế kế tiếp, thì vẫn phải xác định và nộp số thuế phải nộp trong kỳ tính thuế đầu tiên theo đúng quy định.
Sau thời gian miễn thuế, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi với mức thuế suất 15% áp dụng cho doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng; thuế suất 17% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ trên 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng. Các mức này thấp hơn mức chung là 20%, theo quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Kết thúc thời gian miễn thuế và ưu đãi thuế nếu có, doanh nghiệp sẽ áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định chung hiện hành.
Có thể thấy, có rất nhiều lợi ích và cơ hội cho việc chuyển đổi mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, phần lớn những hộ kinh doanh nhỏ lẻ có tâm lý e ngại khó khăn về mặt thủ tục hành chính, không đáp ứng được yêu cầu về mặt kỹ thuật, công nghệ và nhất là “sợ” mức thuế mới khi nâng cấp lên thành doanh nghiệp sẽ cao hơn so với mức thuế khoán trước đây.
Theo các chuyên gia, bên cạnh hỗ trợ về thuế, Nghị quyết 68 của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân đã nêu rõ cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung, dịch vụ tư vấn pháp lý... cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Nên Nhà nước cần đầu tư 1-2 nền tảng số như chữ ký số, hỗ trợ pháp lý... để hỗ trợ hộ kinh doanh.
Trong khi đó, một chuyên gia đề xuất để đạt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 2 triệu doanh nghiệp như Nghị quyết 68 đặt ra, phải hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi số, lên doanh nghiệp. Chi phí chuyển đổi số cần theo hướng Nhà nước hỗ trợ một phần. Kinh nghiệm quốc tế, các nước như Singapore, Trung Quốc... cũng đã làm như vậy. "Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí mua phần mềm xuất hóa đơn điện tử cung cấp. Một nửa chi phí còn lại do hộ kinh doanh trả", chuyên gia này gợi mở.
Phát biểu tại một hội thảo mới đây, ông Trần Minh Tuấn, vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết đang trình Thủ tướng dự thảo đề án hỗ trợ chuyển đổi số với doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, hộ kinh doanh.
Để đạt mục tiêu cả nước có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, tăng thêm 1 triệu doanh nghiệp so với hiện nay như Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân đề ra, theo ông Tuấn, dự thảo đề xuất Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai miễn phí các ứng dụng số cơ bản, hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp, chữ ký số, hóa đơn điện tử, thanh toán trực tuyến.
Bên cạnh đó là việc xây dựng nền tảng dịch vụ "một cửa". Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai tích hợp tất cả thủ tục hành chính liên quan đến chuyển đổi, hỗ trợ tư vấn pháp lý, kế toán và quản trị doanh nghiệp và kết nối với các doanh nghiệp cung cấp nền tảng số.
Về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, bà Nguyễn Thị Thu, trưởng ban Ban nghiệp vụ (Cục Thuế), cho biết đến hết tháng 6, cả nước có tổng số hộ kinh doanh đã nộp tờ khai thuế là 3,03 triệu hộ, trong đó có 2,19 triệu hộ khoán, số còn lại là hộ kê khai. Số hộ thuộc diện phải nộp thuế là 2,11 triệu hộ, chiếm 70%. Số hộ kinh doanh không thuộc diện nộp thuế là 0,92 triệu hộ.
Tổng thu ngân sách từ hộ kinh doanh 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 17.100 tỷ đồng (Hà Nội ước đạt 3.371 tỷ đồng, TP.HCM ước đạt 5.436 tỷ đồng), đạt 53,4% so với nhiệm vụ thu, bằng 131% so với cùng kỳ năm 2024.
Đáng quan tâm là trong 6 tháng qua, có 13.699 hộ kinh doanh nộp thuế khoán chuyển đổi sang nộp thuế theo phương pháp kê khai. Đặc biệt có 1.474 hộ kinh doanh, trong đó riêng tháng 6 có 910 hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp.