Đề xuất mô hình giảm thiểu ô nhiễm không khí do vận chuyển hàng hóa
'Mỗi lần chúng ta đặt một sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử, có nghĩa chúng ta đã là một tác nhân để tạo ra khí thải và ảnh hưởng đến chính cuộc sống của chúng ta' – ông Vũ Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Dr.SME chia sẻ.
Sáng 30/11, trong khuôn khổ trong khuôn khổ hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam – Châu Á 2023 đã diễn ra hội thảo với chủ đề “Các giải pháp, tiện ích số thông minh”.
Green Logistics - giảm phát thải CO2 trong việc đi lại giao nhận hàng
Các giải pháp trình bày tại hội thảo chủ yếu tập trung vào vấn đề công nghệ và vì cộng đồng, vì người dân và lấy người dân làm động lực.
Đáng chú ý là mô hình kinh tế phân tán giảm phát thải Co2 trong thành phố. Theo ông Vũ Anh Tuấn – Phó Giám đốc, Công ty Dr.SME, không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang nguy cấp. Theo khảo sát trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, hoạt động giao thông có lượng phát thải cao, chiếm khoảng 99% trong tổng phát thải CO, SO2 chiếm 78%, bụi chiếm khoảng 46%.
“Không khí bị ô nhiễm năng những ngày cuối năm do hoạt động giao thông tăng mạnh khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa và nhu cầu đi lại của người dân tăng cao” – ông Vũ Anh Tuấn nói.
Việc phát triển thương mại điện tử đi kèm với việc nhu cầu đi lại tăng cao để vận chuyển hàng hóa. “Không biết chúng ta có ý niệm về việc mỗi lần chúng ta đặt một sản phẩm gì đó trên nền tảng thương mại điện tử, có nghĩa chúng ta đã là một tác nhân để tạo ra khí thải và ảnh hưởng đến chính cuộc sống của chúng ta” – ông Tuấn nói.
Trong khi đó, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam tăng nhanh, tăng 25% năm 2025 và đạt quy mô hơn 20 tỷ USD; kéo theo việc giao nhận hàng cũng tăng nhanh.
Đặt vấn đề hiện nay thế hệ Z đặt hàng nhiều, ông Vũ Anh Tuấn cũng gợi ý giải pháp có một ứng dụng để các thế hệ Z có thể theo dõi theo tháng, việc đặt hàng của mình đã sinh ra bao nhiêu kg CO2 do di chuyển; để từ đó các bạn có thể kiểm soát được việc mua hàng của mình.
Ngoài ra, việc giao nhận hiện nay chủ yếu đang ở việc giao điểm đặt hàng đến điểm nhận. Theo ông Tuấn, mô hình này sẽ không hiệu quả khi số lượng hàng tăng lên theo cấp số nhân.
Từ đó, ông Vũ Anh Tuấn đưa ra mô hình các điểm giao nhận cộng đồng và phân tán. Đây là nơi nhận và giao hàng cho khách hàng. Mô hình này sẽ giúp thay đổi thói quen giao nhận tới khách hàng sang giao nhận tới điểm cộng đồng. Từ kho nhận hàng đó, các bạn shipper có thể di chuyển bằng các phương tiện xe đạp, xe điện hoặc khách hàng tự đến lấy hàng. Bên cạnh đó có thể tối ưu chuỗi cung ứng thông qua thời gian giao hàng từ khung 18 giờ đến 21 giờ. Điều này sẽ góp phần giảm phát khí thải do quá trình vận chuyển hàng hóa.
Hiện nay, mô hình logistic xanh này hiện nay cần đối tác đồng hành cho chương trình tạo tác động xã hội, chủ yếu giúp cho một triệu phụ nữ và người yếu thế có việc làm; đồng thời cần triển khai hệ thống phân phối, phân tám tại các thành phố lớn và cùng truyền thông để thúc đẩy Green Logistic tại Việt Nam.
Nhiều giải pháp, tiện ích số xây dựng thành phố thông minh
Hội thảo cũng được nghe nhiều giải pháp hay trong giải quyết các bài toán giao thông thông minh, quan trắc tự động và giám sát toàn bộ hệ thống thu gom, xử lý nước thải,…
Ông Phan Anh Hoàng, Giám đốc Dự án, Viettel Flagship chia sẻ về các giải pháp Camera Giao thông thông minh tốc độ cao. Theo đó, camera giao thông ngoài việc điểm danh phương tiện, xử phạt, còn cung cấp thông tin giúp điều hành quản lý đô thị. Ví dụ, camera giao thông giúp nhà quản lý biết được mật độ lưu lượng, vận tốc di chuyển trung bình và các thông tin bất thường khác trong quá trình các phương tiện tham gia giao thông.
“Giải pháp này giúp giảm ách tắc giao thông, giúp nhà quản lý điều hành lưu lượng giao thông tốt hơn và giảm thiểu tai nạn giao thông” – ông Phan Anh Hoàng nói.
Ông Bùi Tiến Dũng – Giám đốc phát triển dự án tích hợp hệ thống, Công ty Cổ phần Công nghệ Công nghiệp Vconex cho biết: Năm 2022, cả nước hiện có 45 nhà máy xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, chỉ có 15% nước thải được xử lý nhưng việc kiểm soát được chất lượng đầu ra còn nhiều bất cập. Hệ thống xử lý nước thải hoạt động rời rạc, không có sự kết nối. Thiệt hại kinh tế khoảng 780 triệu USD/năm.
Chia sẻ về giải pháp quan trắc tự động và giám sát toàn bộ hệ thống thu gom, xử lý nước thải, ông Bùi Tiến Dũng cho biết công ty tập trung vào các giải pháp kết nối mọi vật trên mọi hạ tầng công nghệ. Cụ thể, giải pháp sẽ giúp nhà quản lý có hệ thống giám sát nhà máy, giám sát trạm bơm, giám sát cảm biến mưa, giám sát trạm quan trắc, thông số lưu lượng và cảnh báo tức thời theo thời gian thực.
“Ứng dụng giải pháp quan trắc tự động sẽ giúp nâng cao chất lượng môi trường sống, giảm thiểu rác thải, cải thiện nuồn nước. Đồng thời, nâng cao hiệu quả vận hành, quản lý, tiết kiệm chi phí, tài sản, con người; góp phần hướng tới trở thành đô thị thông minh và tiền đề cho sự phát triển bền vững” – ông Bùi Tiến Dũng chia sẻ.
Ông Kỳ Quang Minh - Trưởng bộ phận giải pháp, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Năng lượng Mặt trời Bách khoa chia sẻ giải pháp cho Khu công nghiệp thông minh bằng năng lượng tái tạo. Theo đó, giải pháp One stop shop được triển khai trên nền tảng năng lượng sạch: Giám sát, phân tích dữ liệu; điều khiển các thiết bị điện tử; tối ưu năng lượng bằng cách tối ưu điều khiển hệ thống dựa trên các dữ liệu thu thập được để đảm bảo hiệu suất cao nhất…Ứng dụng sẽ trực quan các số liệu, giúp tối ưu nhất trong việc quản lý hệ thống và dịch vụ năng lượng tái tạo.