Đề xuất mới nhất về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của các tòa án

Theo dự thảo Luật sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND), Bộ luật Tố tụng dân sự… mô hình tổ chức hệ thống tòa án mới sẽ gồm TAND Tối cao, TAND cấp tỉnh, TAND khu vực.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các tòa án.

Cụ thể, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) có nhiệm vụ, quyền hạn giám đốc việc xét xử của các tòa án khác; giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật các tòa án nhân dân; phúc thẩm các vụ án hình sự mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị.

TANDTC gồm Hội đồng thẩm phán và 3 Tòa Phúc thẩm (đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM); 4 Vụ Giám đốc kiểm tra; các cục, vụ và tương đương; Học viện Tòa án; cơ quan báo chí; Tăng số lượng thẩm phán TANDTC từ 13 - 17 người lên thành từ 23 - 27 người để đảm bảo đủ nguồn nhân lực giải quyết kịp thời, chất lượng đối với khối lượng công việc giám đốc thẩm, tái thẩm tăng thêm từ TAND cấp cao chuyển về.

TAND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án nhân dân khu vực; phúc thẩm vụ án, vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực bị kháng cáo, kháng nghị; sơ thẩm vụ án hình sự có mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; vụ án hình sự nghiêm trọng, phức tạp khác.

TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm Ủy ban Thẩm phán, các tòa chuyên trách, bộ máy giúp việc. Đối với TAND khu vực được cơ cấu lại từ các TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh…

Dự thảo luật nêu TAND khu vực có nhiệm vụ xét xử theo thủ tục sơ thẩm các vụ án hình sự về các tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đến 20 năm tù; xét xử theo thủ tục sơ thẩm tất cả các vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

TAND khu vực gồm các tòa chuyên trách và bộ máy giúp việc. Theo Điều 60 dự thảo, các Tòa chuyên trách có thể có Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Hành chính, Tòa Gia đình và người chưa thành niên.

Về quy định chuyển tiếp, theo dự thảo, từ 1-7-2025, TAND khu vực có thẩm quyền theo lãnh thổ tiếp nhận nhiệm vụ giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính và các vụ việc khác của TAND cấp huyện đang giải quyết.

TAND cấp tỉnh tiếp tục giải quyết những vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính và các vụ việc khác đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm trước 1-7 mà chưa giải quyết xong.

Đối với những vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính và các vụ việc khác TAND cấp tỉnh đã nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu nhưng đến 1-7 chưa thụ lý thì chuyển cho TAND khu vực có thẩm quyền theo lãnh thổ giải quyết.

Tòa phúc thẩm TANDTC có thẩm quyền giải quyết những vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính và các vụ việc khác đã được TAND cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm trước 1-7 mà có kháng cáo, kháng nghị nhưng TAND cấp cao chưa thụ lý theo thủ tục phúc thẩm…

Ngọc Minh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/de-xuat-moi-nhat-ve-nhiem-vu-quyen-han-to-chuc-cua-cac-toa-an-post609680.antd