Đề xuất mua điện giá 0 đồng gây tranh cãi, Bộ Công Thương liên tục thay đổi, vì sao?

Theo lãnh đạo của Bộ Công Thương, những ngày qua, dư luận cho rằng, Bộ Công Thương không nhất quán trong việc ban hành, xây dựng cơ chế, chính sách trong vấn đề mua bán điện mặt trời mái nhà là hoàn toàn không chính xác.

Đề xuất mua điện giá 0 đồng gây tranh cãi, Bộ Công Thương liên tục “quay xe”?

Vào cuối tháng 4/2024, Bộ Công Thương đã công bố dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (tự sử dụng). Theo đó, điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu là điện mặt trời mái nhà được sản xuất để tiêu thụ tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

Trong dự thảo Nghị định này, Bộ Công Thương đưa ra hai loại hình phát triển điện mặt trời mái nhà. Một loại không nối lưới điện quốc gia sẽ được phát triển không giới hạn. Tổ chức, cá nhân được khuyến khích lắp hệ thống lưu trữ để chủ động dùng trong sản xuất, kinh doanh.

Loại hình còn lại người dân có thể lựa chọn phát sản lượng điện dư thừa lên lưới điện quốc gia, Nhà nước ghi nhận sản lượng nhưng sẽ mua lại với giá 0 đồng, loại điện này cũng không được thanh toán.

Ngay sau khi công bố dự thảo Nghị định, rất nhiều ý kiến chuyên gia phản đối đề xuất này. Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang khuyến khích phát triển các loại điện sạch mới, trong đó có điện gió, điện gió ngoài khơi và điện mặt trời mái nhà, thì đề xuất của Bộ Công Thương đã “tạt gáo nước lạnh” lên các chính sách khuyến khích phát triển các nguồn điện sạch.

Ông Ngô Đức Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương đặt ra câu hỏi: Việt Nam đang từng bước xây dựng thị trường mua bán điện và trong mua bán phải có trách nhiệm trả tiền, nếu mua với giá 0 đồng thì không phải cơ chế thị trường.

“Thà không cho đấu lưới, không nhận nguồn của nhà đầu tư thì thôi. Còn nhận nguồn, mang đi bán, sao trả cho nhà đầu tư 0 đồng” - ông Ngô Đức Lâm nói.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng cho rằng, mua điện mặt trời mái nhà với giá 0 đồng là không công bằng. Nếu đề xuất này được thông qua sẽ khó thu hút người dân, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư điện mặt trời chỉ để dùng.

Liên quan tới vấn đề này, Bộ Công Thương đã khẳng định, mua điện mặt trời mái nhà với giá 0 đồng là cần thiết và phù hợp, vừa khuyến khích loại hình điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu vừa ngăn chặn được hiện tượng trục lợi chính sách.

Theo lý giải của Bộ Công Thương, trong Quy hoạch điện VIII được ban hành vào năm ngoái khuyến khích người dân phát triển điện mặt trời mái nhờ vào mục đích tự sử dụng, tự cung cấp cho nhu cầu của mình, giảm bớt mua điện từ hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện.

Tuy nhiên, trong trường hợp dư thừa loại điện này và muốn bán điện và đấu nối với hệ thống điện quốc gia còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như các quy định pháp luật, hạ tầng điện bao gồm lưới điện, truyền tải điện, lưu trữ.

Đặc biệt, dù hạ tầng lưới điện của Việt Nam đã được đầu tư, nâng cấp, từng bước hiện đại hóa, tuy nhiên vẫn chưa cho phép nối lưới không giới hạn công suất.

“Nếu cho phép đấu nối không giới hạn thì công tác vận hành lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn và nguy cơ cao mất an toàn hệ thống điện quốc gia ở mức rất cao” - Bộ Công Thương cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương còn nhấn mạnh: Nếu bán điện thì sẽ xảy ra tình huống vỡ quy hoạch điện của quốc gia và khó kiểm soát hệ thống lưới điện, làm mất an toàn, trục lợi chính sách của Nhà nước.

Mặc dù vậy, sau nhiều ý kiến không đồng tình, vào đầu tháng 6/2024, Bộ Công Thương đã công bố dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu mới.

Trong dự thảo khác được công bố vào tháng 6/2024, Bộ Công Thương đã bỏ quy định “giá 0 đồng” và “không được thanh toán”, thay bằng quy định “tự sử dụng và không mua bán dưới mọi hình thức”.

Tuy nhiên, đây chưa phải là lần “quay xe” duy nhất. Trong một cuộc họp mới đây, diễn ra vào giữa tháng 7/2024, Bộ Công Thương tiếp tục có đề xuất khác liên quan tới việc mua bán điện mặt trời còn dư.

Trong đề xuất mới nhất, Bộ Công Thương đưa ra 3 phương án xây dựng cơ chế và xác định điện dư không dùng hết được bán lên lưới điện quốc gia. Đồng thời, Bộ Công Thương đưa ra 3 phương án xác định mua bán điện dư.

Trong đó, nổi bật nhất là phương án thứ 3. Cụ thể, trong đề xuất này, Bộ Công Thương nêu: Hiện nay không có phương pháp nào phù hợp để xây dựng một giá mua điện dư, do đó không có đủ lý luận để lấy giá mua điện dư phát lên lưới điện quốc gia.

Để đơn giản trong thực hiện, Bộ Công Thương đề xuất trước mắt tạm áp dụng giá mua điện dư phát lên lưới từ 600 đến 700 đồng/kWh. Giá này sẽ được xem xét, điều chỉnh (nếu có) hàng năm để đảm bảo khuyến khích phù hợp với từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện quốc gia.

“Phương án 3 có tính đơn giản, dễ thực hiện và tiết kiệm được chi phí đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nên đề xuất thực hiện theo phương án này” - Bộ Công Thương nêu.

Bộ Công Thương khẳng định không có chuyện “quay xe” chính sách

Liên quan tới vấn đề liên tục thay đổi đề xuất, Bộ Công Thương khẳng định: Không “quay xe” chính sách.

Theo lãnh đạo của Bộ Công Thương, những ngày qua, dư luận cho rằng, Bộ Công Thương không nhất quán trong việc ban hành, xây dựng cơ chế, chính sách trong vấn đề này là hoàn toàn không chính xác.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng khẳng định: Hiện Bộ Công Thương đã và đang tuân thủ nghiêm sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng dự thảo Nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu trên tinh thần bảo đảm tính khuyến khích, đơn giản trong thực hiện, tiết kiệm chi phí đầu tư nhưng vẫn đảm bảo không xảy ra tiêu cực và lãng phí nguồn lực xã hội.

Trước đó, vào sáng 19/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu phương án khuyến khích, hỗ trợ tài chính (thuế, lãi suất, chi phí lắp đặt…) cho người dân lắp đặt điện mặt trời mái nhà kết hợp đầu tư thiết bị lưu trữ điện để bán cho EVN với giá điện nền huy động vào giờ cao điểm.

Đồng thời cần đơn giản hóa thủ tục; quy định lắp đặt điện mặt trời mái nhà trên các công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công; tính toán giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn lưới điện đối với các công trình lắp đặt điện mặt trời mái nhà trong khu, cụm công nghiệp có công suất lớn…

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương cần nghiên cứu, tính toán lợi nhuận của phương án Nhà nước đầu tư nguồn điện mới, làm cơ sở cho chính sách hỗ trợ người dân lắp đặt điện mặt trời mái nhà.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Xây dựng để xây dựng trình tự, thủ tục lắp đặt điện mặt trời mái nhà theo tinh thần đơn giản hóa tối đa; quản lý chặt chẽ các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện lắp đặt điện mặt trời mái nhà.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu tiếp thu ý kiến tại cuộc họp và ý kiến chỉ đạo tại các Thông báo trước đó để xây dựng Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa các đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn và Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu theo đúng quy định của pháp luật...

Ngày 10/7, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp liên quan đến xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Trong công văn này, Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu thí điểm việc sản xuất điện dư không dùng hết thì được bán lên lưới điện quốc gia không quá 10% tổng công suất.

Bên cạnh đó, Thủ tướng, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nghiên cứu các quy định giá mua trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chịu trách nhiệm mua sản lượng điện dư và bảo đảm an toàn vận hành hệ thống điện, bảo đảm sự hài hòa và khuyến khích phát triển cơ chế này.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-xuat-mua-dien-gia-0-dong-gay-tranh-cai-bo-cong-thuong-lien-tuc-thay-doi-vi-sao-post303879.html