Đề xuất nhiều quy định mới có lợi cho người khám chữa bệnh BHYT

Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) đề xuất bỏ thủ tục chuyển tuyến với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo khi khám chữa bệnh BHYT.

Sáng 24-10, tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).

Bỏ thủ tục chuyển tuyến BHYT với một số bệnh hiểm nghèo

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 40 điều, thể hiện đầy đủ bốn nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua.

Đó là điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT; điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn. Điều chỉnh các quy định BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở; phân bổ sử dụng Quỹ BHYT hiệu quả.

 Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Ảnh: PHẠM THẮNG

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Ảnh: PHẠM THẮNG

“Dự án Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định cần thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, khắc phục các bất cập của luật hiện hành có tính cấp bách, đồng thời có đầy đủ thông tin, dữ liệu, đạt được sự đồng thuận. Trong đó có các quy định về chuyển từ bốn tuyến khám bệnh, chữa bệnh sang ba cấp chuyên môn kỹ thuật để kịp thời có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, đồng bộ với Luật khám bệnh, chữa bệnh” - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Một số điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật được nêu ra trong tờ trình là sửa đổi, bổ sung đối tượng tham gia, trách nhiệm đóng BHYT để khắc phục bất cập và đồng bộ với Luật BHXH.

Sửa đổi trách nhiệm, phương thức, thời hạn đóng, trách nhiệm lập danh sách đóng BHYT, thời hạn thẻ có giá trị sử dụng; bổ sung hành vi chậm đóng, trốn đóng BHYT.

Sửa đổi quy định về khám chữa bệnh đúng tuyến và không đúng tuyến (thông tuyến) được cập nhật theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.

Dự thảo Luật cũng bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được lên thẳng cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn để giảm thủ tục, giảm chi tiền túi cho người dân.

Bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Y tế về rà soát và cập nhật thường xuyên phác đồ điều trị để bảo đảm thuận tiện trong thanh toán và khám chữa bệnh BHYT.

Dự thảo Luật đã cơ bản đạt được sự đồng thuận

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, các nội dung sửa đổi mới mang tính cấp bách đã có đủ thông tin, dữ liệu rõ ràng để khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ.

 Các đại biểu Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Ảnh: PHẠM THẮNG

Các đại biểu Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Ảnh: PHẠM THẮNG

Đơn cử, sửa đổi một số phạm vi quyền lợi về điều trị tật khúc xạ mắt cho người dưới 18 tuổi. Quy định trường hợp mắc bệnh mãn tính chuyển về cấp thấp hơn được sử dụng thuốc chuyên khoa, thiết bị y tế như cấp cao hơn và điều chỉnh tỉ lệ hưởng BHYT trong một số trường hợp để phát huy vai trò của y tế cơ sở.

Bổ sung cơ chế thanh toán điều chuyển thuốc nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc, không để người bệnh phải tự mua…

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, hiện dự thảo Luật đã cơ bản đạt được sự đồng thuận của các cơ quan, tổ chức, đơn vị về những nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng, chủ yếu thuộc phạm vi điều chỉnh và đã được Chính phủ thống nhất các nội dung trình Quốc hội.

Riêng về chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc để tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT, dự thảo quy định tăng tỉ lệ hưởng BHYT khám chữa bệnh ngoại trú từ 0 lên 50% tại cơ sở khám bệnh mà trước ngày 1-1-2025 được phân tuyến tỉnh, thực hiện từ 1-7-2026.

Tuy nhiên, tờ trình của Chính phủ cho thấy qua đánh giá tác động, việc tăng tỉ lệ thanh toán BHYT có nguy cơ phát sinh khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến hệ thống y tế cơ sở, gây quá tải ở tuyến trên, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Tiếp đó là làm tăng chi phí từ Quỹ BHYT, ước tính khoảng hơn 1.131 tỉ đồng/ năm.

Trình bày báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, cho biết Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật. Theo đó, tập trung vào các nội dung thực sự cần thiết, cấp bách để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật BHXH.

Theo Ủy ban Xã hội, những nội dung được quy định nhằm tháo gỡ bất cập, vướng mắc, khó khăn đã được tổng kết qua thực tiễn. Các nội dung đã rõ, đã chín, có sự đồng thuận cao để bảo đảm Luật có thể được trình và thông qua theo quy trình một kỳ họp.

Tuy nhiên, với những chính sách mở rộng hơn với chính sách được nêu tại đề nghị xây dựng Luật, Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá tác động kỹ lưỡng, tiếp tục rà soát để hạn chế tối đa nội dung còn nhiều luồng ý kiến, quan điểm khác nhau làm ảnh hưởng đến tiến độ thông qua dự án Luật.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-nhieu-quy-dinh-moi-co-loi-cho-nguoi-kham-chua-benh-bhyt-post816386.html