Đề xuất 'nới' danh mục, nâng hiệu suất đầu tư 120.000 tỷ đồng cho Bảo hiểm tiền gửi

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến tháng 9/2024 số tiền đầu tư của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là 119.072 tỷ đồng, chiếm 97,77% tổng nguồn vốn (121.783 tỷ đồng). Tuy nhiên, kết quả khả năng sinh lời từ hoạt động đầu tư có xu hướng giảm sâu sau hơn 10 năm, vì vậy, đề xuất mở rộng danh mục đầu tư cho bảo hiểm tiền gửi đang được xem xét, thay vì chỉ mua trái phiếu Chính phủ hay gửi tiền tại NHNN như trước đây.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm tiền gửi (sửa đổi).

Hơn 90% người gửi tiền được bảo vệ

Luật Bảo hiểm tiền gửi số 06/2012/QH13 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Đây là văn bản pháp lý cao nhất và toàn diện nhất về bảo hiểm tiền gửi, trong đó quy định đầy đủ các nội dung về hoạt động bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam, xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, người được bảo hiểm tiền gửi, quy định cụ thể về tiền gửi được bảo hiểm, thời điểm chi trả bảo hiểm...

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, NHNN nhận thấy một số quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi, về tổ chức bảo hiểm tiền gửi chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đối với việc hoàn thiện chế độ, chính sách về bảo hiểm tiền gửi, xây dựng một tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong điều kiện mới và trong quá trình hội nhập.

Đề xuất "nới" danh mục, nâng hiệu suất đầu tư 120.000 tỷ đồng cho Bảo hiểm tiền gửi. Ảnh tư liệu.

Đề xuất "nới" danh mục, nâng hiệu suất đầu tư 120.000 tỷ đồng cho Bảo hiểm tiền gửi. Ảnh tư liệu.

Theo đánh giá của NHNN, quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi đã bảo đảm quyền và lợi ích cho người gửi tiền, tạo niềm tin cho người gửi tiền khi gửi tiền tại tổ chức tín dụng. Hiện nay, theo nguồn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, 100% các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm tiền gửi đều chấp hành quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi.

Đến ngày 31/8/2024, số tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là 1.278 tổ chức, gồm 96 ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1 ngân hàng hợp tác xã, 1.177 quỹ tín dụng nhân dân và 4 tổ chức tài chính vi mô.

Hạn mức trả tiền bảo hiểm được rà soát và thay đổi để phù hợp trong từng thời kỳ, từ mức 30 triệu đồng từ năm 1999 và nâng lên mức 125 triệu đồng được áp dụng từ ngày 12/12/2021 đến nay. Với hạn mức trả tiền bảo hiểm này, theo báo cáo của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, tại thời điểm tháng 6/2024 có thể bảo vệ toàn bộ 92,19% số người gửi tiền tại Việt Nam.

Từ khi Luật Bảo hiểm tiền gửi có hiệu lực, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho 1 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là Quỹ Tín dụng nhân dân Trần Cao, tỉnh Hưng Yên (tháng 11/2013) với 171 người gửi tiền được chi trả tổng số tiền là 4,94 tỷ đồng.

Danh mục đầu tư hạn hẹp, hiệu suất sinh lời giảm

Về quản lý và đầu tư vốn, theo NHNN, từ nguồn vốn ban đầu được cấp là 1.000 tỷ đồng, tính đến cuối ngày 31/12/2023, tổng nguồn vốn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đạt trên 110 nghìn tỷ đồng. Đến tháng 9/2024, số tiền đầu tư của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là 119.072 tỷ đồng, chiếm 97,77% tổng nguồn vốn (121.783 tỷ đồng).

Theo quy định Luật Bảo hiểm tiền gửi, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để mua trái phiếu Chính phủ, gửi tiền tại NHNN. Tiền lãi thu được từ hoạt động này được ghi nhận thành hai phần: (i) một phần đưa vào doanh thu để bù đắp chi phí hoạt động hàng năm (Bộ Tài chính phê duyệt giao động từ 17,5 - 22%); (ii) phần còn lại đưa vào Quỹ dự phòng nghiệp vụ (78%).

Quỹ dự phòng nghiệp vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng tăng theo các năm khi ngày 31/12/2019 là 53.246 tỷ đồng; đến tháng 9/2024 là 114.976 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của NHNN, việc đầu tư vào trái phiếu Chính phủ trong những năm gần đây gặp khó khăn, lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm thấp. Hơn nữa, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chỉ có một danh mục đầu tư trong điều kiện Kho bạc Nhà nước chỉ tổ chức đấu thầu định kỳ mỗi tuần một lần gây khó khăn cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam về cả cơ hội lựa chọn và thực hiện, đặc biệt khi nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi sẵn có lớn vào thời điểm không có phiên thầu.

Nguồn: NHNN.

Nguồn: NHNN.

Khả năng sinh lời giảm sút

"Kết quả khả năng sinh lời từ hoạt động đầu tư có xu hướng giảm dần từ 9,41% (năm 2013) xuống còn 3,72% (tháng 9/2024) so với mức tỷ lệ bình quân khoảng 7% giai đoạn trước năm 2013. Việc đa dạng hóa các hình thức đầu tư (ngoài các hình thức đầu tư theo quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012) có thể giúp tăng quy mô của quỹ dự phòng nghiệp vụ, đáp ứng các nhiệm vụ mới được giao tại Luật Các tổ chức tín dụng" - NHNN nêu rõ.

Cũng theo cơ quan soạn thảo, hiện nay, quy định pháp luật đã cho phép Bảo hiểm xã hội Việt Nam, một đơn vị Nhà nước có cơ chế hoạt động tương tự như Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, được sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp để đầu tư vào các danh mục như: mua trái phiếu Chính phủ; (2) cho ngân sách Nhà nước vay; (3) gửi tiền; mua trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của NHNN...

Cũng theo thông lệ quốc tế, qua nghiên cứu hoạt động đầu tư của các tổ chức bảo hiểm tiền gửi trên thế giới, một số tổ chức bảo hiểm tiền gửi gồm: Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan… đều có thể sử dụng và quản lý nguồn vốn quỹ bảo hiểm tiền gửi để đầu tư như: trái phiếu ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu tổ chức tài chính nước ngoài, gửi tiền tại tổ chức tài chính lành mạnh bên cạnh những hình thức đầu tư cơ bản theo khuyến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI) là trái phiếu Chính phủ, gửi tiền tại ngân hàng trung ương.

Do đó, NHNN cho rằng cần đa dạng hóa danh mục đầu tư của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tăng cường năng lực tài chính, tích lũy nguồn vốn để tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Điều này nhằm góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Ngoài ra, tại dự thảo này, NHNN cũng đề xuất hoàn thiện quy định về phí bảo hiểm tiền gửi, nâng cao năng lực tài chính, hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến chế độ tài chính của bảo hiểm tiền gửi theo hướng rõ ràng, minh bạch. Ngoài ra, có cơ chế để tổ chức bảo hiểm tiền gửi nâng cao năng lực tài chính thực hiện các nhiệm vụ được giao; hoàn thiện quy định pháp luật để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia vào quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém tại Việt Nam; hoàn thiện quy định về trả tiền bảo hiểm.../.

Đề xuất mở rộng danh mục đầu tư, có thể mua trái phiếu của ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc

Về hoạt động đầu tư của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, NHNN đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng hình thức đầu tư ngoài các hình thức đầu tư theo quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi, để tăng quy mô của Quỹ dự phòng nghiệp vụ.

Đồng thời, bổ sung các quy định để hạn chế rủi ro trong hoạt động đầu tư của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam như: (i) quy định trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong việc thực hiện các hoạt động đầu tư, thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản đầu tư theo hướng dẫn của Chính phủ; Chính phủ quy định quy trình kiểm soát, quản lý rủi ro, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro; (ii) giao Chính phủ quy định tiêu chí danh mục đầu tư, cơ cấu đầu tư, phương thức đầu tư.

Ánh Tuyết

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/de-xuat-noi-danh-muc-nang-hieu-suat-dau-tu-120000-ty-dong-cho-bao-hiem-tien-gui-170811.html