Đề xuất quy định về hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa

Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định về hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa.

Dự thảo Thông tư này quy định về quản lý hoạt động nạo vét liên quan đến kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa, bao gồm: Nạo vét duy tu theo chất lượng thực hiện, nạo vét khẩn cấp và công tác kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện quản lý thi công luồng hàng hải công cộng, luồng đường thủy nội địa; tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp nghiên cứu khả thi dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm.

Trình tự thực hiện nạo vét khẩn cấp

Nạo vét khẩn cấp luồng hàng hải công cộng, luồng đường thủy nội địa quốc gia được thực hiện theo trình tự sau:

1. Quyết định việc nạo vét khẩn cấp.

2. Tổ chức thực hiện nạo vét khẩn cấp.

3. Tổ chức lập và hoàn thiện hồ sơ hoàn thành công trình.

4. Thanh toán, quyết toán công trình.

Tổ chức thực hiện nạo vét khẩn cấp

Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam là người được giao quản lý thực hiện nạo vét khẩn cấp luồng hàng hải công cộng, luồng đường thủy nội địa quốc gia và được tự quyết định toàn bộ công việc trong hoạt động nạo vét khẩn cấp, bao gồm: giao tổ chức, cá nhân thực hiện các công việc khảo sát, thiết kế và thi công nạo vét và các công việc cần thiết khác phục vụ nạo vét công trình khẩn cấp; quyết định về trình tự thực hiện khảo sát, thiết kế và thi công nạo vét; quyết định về việc giám sát thi công nạo vét và nghiệm thu công trình đáp ứng yêu cầu của lệnh nạo vét khẩn cấp.

Căn cứ lệnh nạo vét khẩn cấp được duyệt, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam lựa chọn, chỉ định nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện ngay các gói thầu thuộc công trình nạo vét khẩn cấp theo quy trình rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu.

Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo các đơn vị có liên quan tổ chức khảo sát bàn giao mặt bằng (bao gồm mặt bằng nạo vét và vị trí đổ chất nạo vét) cho nhà thầu thi công để tổ chức thực hiện thi công công trình.

Trường hợp sử dụng khu vực, địa điểm tập kết, tiếp nhận chất nạo vét tạm thời, trong quá trình triển khai thi công công trình, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các thủ tục về môi trường theo quy định để được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét chính thức cho công trình nạo vét khẩn cấp luồng hàng hải công cộng, luồng đường thủy nội địa quốc gia và tiếp tục thi công nạo vét, vận chuyển vào vị trí đổ chất nạo vét chính thức.

Lập và hoàn thiện hồ sơ hoàn thành công trình

Sau khi kết thúc thi công nạo vét khẩn cấp luồng hàng hải công cộng, luồng đường thủy nội địa quốc gia, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có trách nhiệm tổ chức lập hồ sơ hoàn thành công trình, bao gồm:

Lệnh nạo vét khẩn cấp;

Hồ sơ khảo sát, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật được duyệt;

Hồ sơ quản lý chất lượng công trình bao gồm: các biên bản nghiệm thu, kết quả thí nghiệm, quan trắc, đo đạc (nếu có); nhật ký thi công xây dựng công trình và các hình ảnh ghi nhận quá trình thi công xây dựng công trình (nếu có); biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng; các căn cứ, cơ sở để xác định khối lượng công việc hoàn thành và các hồ sơ, văn bản, tài liệu khác có liên quan hoạt động nạo vét khẩn cấp.

Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổng hợp, trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch bảo trì công trình hàng hải đối với nhiệm vụ nạo vét khẩn cấp luồng hàng hải công cộng, luồng đường thủy nội địa quốc gia.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Minh Hiển

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/de-xuat-quy-dinh-ve-hoat-dong-nao-vet-trong-vung-nuoc-cang-bien-vung-nuoc-duong-thuy-noi-dia-102240620163359795.htm