Đề xuất sửa biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi cho phù hợp thực tiễn
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN), Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, trong đó dự kiến đề xuất điều chỉnh thuế xuất MFN đối với một số mặt hàng cho phù hợp thực tiễn.
Đề xuất điều chỉnh thuế MFN một số mặt hàng
Hiện nay, việc thực hiện các nghị định về ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi thời gian qua cơ bản đã đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra khi ban hành; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường xuất khẩu, hạn chế việc nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được. Đồng thời, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan hải quan và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
Số dòng thuế của Biểu thuế xuất khẩu tăng từ 1.423 dòng thuế lên 1.540 dòng thuế.
Tuy nhiên, để thực hiện các cam kết quốc tế về thực hiện Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN 2022 (AHTN 2022), tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết phải rà soát để ban hành nghị định mới để thay thế cho 4 nghị định: Nghị định số 122/2016/NĐ-CP; Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, Nghị định số 57/2020/NĐ-CP và Nghị định số 101/2021/NĐ-CP.
Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số nhóm nội dung, trong đó có việc chuyển đổi Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Theo đó, đối với Biểu thuế xuất khẩu, số dòng thuế của Biểu thuế xuất khẩu đã tăng từ 1.423 dòng thuế lên 1.540 dòng thuế (tăng 117 dòng thuế so với Biểu thuế xuất khẩu hiện hành), tuy nhiên, việc thay đổi về mô tả và mã số theo Danh mục AHTN 2022 không làm thay đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu đang áp dụng hiện nay.
5 nguyên tắc chung cho việc
áp dụng mức thuế suất MFN
Bộ Tài chính nêu ra 5 nguyên tắc chung cho việc áp dụng mức thuế suất MFN mới, trong đó có 9.781 dòng thuế có mã số và mô tả không thay đổi so với Biểu thuế nhập khẩu MFN hiện hành; 1.278 dòng thuế được tách ra từ các dòng thuế hiện hành nhưng không có sự thay đổi về thuế suất MFN; có 1 nhóm hàng mới (mặt hàng thuốc lá nhóm 24.04) được bổ sung mới theo Danh mục HS 2022 mà trước đây Danh mục HS 2017 và ANTN 2017 không có quy định. Bên cạnh đó, còn có 355 mã hàng được gộp từ các mã hàng khác nhau hoặc gộp vào từ một phần của một số mã hàng khác, tuy nhiên có 17/355 mã hàng có mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN hiện hành được áp dụng khác nhau cần xin ý kiến tổ chức, cá nhân có liên quan (cua ghẹ, điệp, xúc xích, các chế phẩm sau giết mổ, nguyên liệu thay thế lá thuốc lá, thuốc trừ nấm, plastic, sản phẩm bằng đá, máy đắp lớp, modun diot phát quang).
Đối với Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục AHTN 2022 có một số thay đổi về mô tả hàng hóa, tên gọi của một số mã hàng so với Danh mục AHTN 2017 được sử dụng để ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành. Đồng thời, so với Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành thì một số mã hàng đã được tách, gộp và quy định mới.
Không thay đổi thuế suất xe ô tô từ 15 chỗ trở xuống
Đối với Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp đối với mặt hàng xe ô tô chở người từ 15 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) đã qua sử dụng và Danh mục hàng hóa và mức thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan đối với các mặt hàng thuộc diện áp dụng hạn ngạch thuế quan không có sự thay đổi về thuế suất khi chuyển đổi.
Ngoài ra, tại dự thảo nghị định, Bộ Tài chính đề xuất rà soát, hợp nhất các quy định liên quan đến Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu đã được sửa đổi, bổ sung từ năm 2016 đến nay để thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan hải quan trong tổ chức thực hiện.
Kể từ khi ban hành đến nay, Nghị định số 122/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung 3 lần. Một số nội dung quy định tại điều, khoản của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP đã được Bộ Tài chính rà soát trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoặc thay thế tại Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, Nghị định số 57/2020/NĐ-CP, Nghị định số 101/2021/NĐ-CP nên các nội dung quy định tại phần lời dự thảo nghị định đang được triển khai thực hiện ổn định, chưa có phát sinh vướng mắc.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất kế thừa quy định đã được sửa đổi, bổ sung này và rà soát kết cấu lại cho phù hợp để thuận lợi cho việc thực hiện. Cụ thể: Điều 8 về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với linh kiện ô tô nhập khẩu theo Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô (Chương trình ưu đãi thuế) chính là Điều 7a Nghị định số 122/2016/NĐ-CP và Điều 9 về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô đến 31/12/2024 chính là Điều 7b Nghị định số 122/2016/NĐ-CP...
Đối với các mặt hàng được chi tiết tại Chương 98, Bộ Tài chính cũng đã tiến hành rà soát toàn bộ Chương 98 để chuyển đổi mã số và mô tả hàng hóa tương thích với Danh mục AHTN 2022 mới, trong đó đề xuất bỏ mặt hàng tại Chương 98 bị trùng lắp với 97 chương (thịt phụ phẩm của gà lôi, cá bột, cua, ghẹ hun khói, dây đồng). Ngoài ra, để đơn giản hóa biểu thuế, Bộ Tài chính đề xuất bỏ các dòng đã trùng tại nhóm 98.21 với 97 chương và chỉ giữ lại các dòng thuế được chi tiết mức 7%.
Ngoài các vấn đề nêu trên, Bộ Tài chính cũng đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu, mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của một số mặt hàng để khắc phục các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện và xử lý kiến nghị của các bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức quốc tế cho phù hợp với bối cảnh hiện nay. Bởi vì trong thời gian qua, Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của một số tổ chức cá nhân vướng mắc về mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi MFN như mặt hàng ống đồng, phân bón, xăng dầu, ethanol, lốp ô tô, kính ô tô, hạt nhựa, đều được Bộ Tài chính rà soát và xây dựng phương án.
Thống nhất mức thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón
Đối với kiến nghị về thuế xuất khẩu mặt hàng phân bón, theo Bộ Tài chính, thời gian qua, giá phân bón trong nước và thế giới luôn biến động và có xu hướng tăng cao, ảnh hưởng lớn đến thị trường phân bón. Bộ Tài chính nhận được một số kiến nghị về điều chỉnh thuế đối với mặt hàng này.
Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định khung thuế suất thuế xuất khẩu đối với từng nhóm hàng chịu thuế, trong đó có mặt hàng phân bón thuộc nhóm 31.01 đến 31.05 có khung thuế xuất khẩu từ 0% đến 40% (nhóm có số thứ tự từ 85 đến 89). Ngoài ra, trong Biểu thuế xuất khẩu có nhóm hàng số thứ tự 211 có tên mô tả: “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm không quy định ở trên có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành trở lên”, khung thuế suất thuế xuất khẩu từ 5-20%.
Nhằm góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung phân bón cho sản xuất công nghiệp; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện, đảm bảo quản lý chặt chẽ, tránh gian lận, Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ khoản 4 điều 4 Nghị định số 122/2016/NĐ-CP, đồng thời quy định thuế suất thuế xuất khẩu của mặt hàng phân bón tại Biểu thuế xuất khẩu.
Bộ Tài chính đề xuất quy định thống nhất một mức thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón thuộc nhóm từ 31.02 đến 31.05 tại Biểu thuế xuất khẩu, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm phân bón.
Theo đó, đối với loại phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm có thuế suất thuế xuất khẩu sẽ có mức thuế tăng từ 0% lên 5%. Đối với mặt hàng phân bón nếu có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên có thuế xuất khẩu 5% như hiện hành.
Riêng đối với phân bón thuộc nhóm 31.01 là phân bón hữu cơ, không sử dụng tài nguyên khoáng sản nên Bộ Tài chính đề xuất giữ mức thuế xuất khẩu là 0% như hiện hành.