Đề xuất tăng quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh để xử lý công việc hiệu quả hơn
Nhiều đại biểu đề nghị làm rõ thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh trong chỉ đạo, điều hành cũng như phân quyền, phân cấp phù hợp tình hình thực tiễn.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP.HCM) nêu ý kiến về quy định số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, hiện dao động từ một đến hai người, tùy theo HĐND là đại biểu chuyên trách hay không chuyên trách.
Số lượng cấp phó phải theo đặc thù từng địa phương
Theo bà Hạnh, quy định này được xây dựng trong bối cảnh còn giữ mô hình chính quyền ba cấp, chưa tính đến việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Trong khi đó, từ ngày 1-7 tới đây, việc sáp nhập sẽ chính thức triển khai, nhiều địa phương - đặc biệt là các thành phố trực thuộc Trung ương, các siêu đô thị - sẽ có quy mô dân số và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội rất lớn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP.HCM)
“Quy định số lượng Phó Chủ tịch HĐND đồng đều trên cả nước sẽ không còn phù hợp. Cần tính đến đặc thù từng địa phương” – bà Hạnh nêu và đề xuất giao Chính phủ quy định khung số lượng Phó Chủ tịch HĐND và UBND cấp tỉnh, bảo đảm linh hoạt theo quy mô, đặc điểm đơn vị hành chính.
Cùng quan điểm, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) kiến nghị rà soát kỹ các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND, nhằm thể hiện rõ hơn chủ trương phân cấp, phân quyền, đồng thời đề nghị cụ thể hóa cơ chế kiểm soát và trách nhiệm giải trình của UBND.
Theo ông An, hiện khối lượng công việc của UBND là rất lớn. Nếu không tăng cường cơ chế giám sát, nhất là nâng cao tỷ lệ đại biểu HĐND chuyên trách, thì khó bảo đảm vai trò của cơ quan dân cử.
Tăng quyền cho Chủ tịch tỉnh để chủ động hơn
Trong khi đó, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) đề nghị làm rõ hơn trách nhiệm của UBND và Chủ tịch UBND tỉnh trong việc trực tiếp chỉ đạo, điều hành các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn hoặc tổ chức hành chính khác trực thuộc.
Bà Hà cho rằng, trong những trường hợp cần thiết, Chủ tịch UBND tỉnh phải có thẩm quyền chỉ đạo trực tiếp để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, quy định hiện nay còn chung chung, dễ dẫn đến lúng túng, bất cập trong tổ chức thực hiện.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang)
Vì vậy, bà đề nghị luật cần quy định chặt chẽ hơn, hoặc giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết để tăng cường trách nhiệm cấp tỉnh trong việc bảo đảm thực thi nhiệm vụ, quyền hạn. Đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các luật liên quan đến phân cấp, phân quyền, ủy quyền, bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất.
Còn theo đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam), đây là dự án luật rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến bộ máy tổ chức và hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, ông đề nghị phải rà soát kỹ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương khi vận hành theo mô hình hai cấp.
Về phân quyền, dự thảo nêu rõ UBND cấp tỉnh được quyền đề xuất Chính phủ trình Quốc hội phân quyền cho các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền tại địa phương thực hiện các nhiệm vụ phù hợp năng lực và điều kiện thực tiễn.
Đồng tình với nội dung này, song ông Thắng cho rằng cần bổ sung quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ khi nhận được đề xuất của địa phương nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của cơ chế phân quyền.
Cần kiên định nguyên tắc trao quyền cho cấp xã thực hiện nhiệm vụ
Góp ý dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương về quản lý điều hành giữa cấp tỉnh và cấp xã, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) không đồng tình với quy định cho phép Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ của cấp xã trong “trường hợp cần thiết”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) băn khoăn với quy định cho phép Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ của cấp xã trong “trường hợp cần thiết”.
Theo đại biểu, quy định này mơ hồ, dễ dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, làm suy yếu vai trò của cấp xã – vốn là cấp trực tiếp giải quyết công việc trên địa bàn. Đồng thời, nó cũng tiềm ẩn nguy cơ tập trung quyền lực tại cấp tỉnh, nhất là ở những lĩnh vực dễ phát sinh lợi ích như đất đai, tài nguyên, đầu tư công…
Quá trình tổ chức mô hình chính quyền cấp xã mới chắc chắc sẽ còn phát sinh nhiều vấn đề thực tiễn và pháp lý cần hoàn thiện nhưng không vì thế mà chúng ta đưa ra các chế định dẫn đến tập trung quyền lực ở cấp tỉnh, cần kiên định nguyên tắc trao quyền cho cấp xã.
Theo đó, đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc không đưa quy định này vào luật.