Biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang la liệt, giá vẫn 'trên trời'

Dù bị bỏ trống nhiều năm và không có người sinh sống nhưng hàng loạt căn biệt thự, nhà liền kề trong các khu đô thị tại Hà Nội vẫn liên tục tăng giá.

Biệt thự triệu đô bị bỏ hoang

Vài năm trở lại đây, thị trường bất động sản chứng kiến đà tăng giá mạnh mẽ của phân khúc nhà liền kề và biệt thự, kể cả tại những khu đô thị ít cư dân hoặc bị bỏ hoang. Nhiều nơi, giá trị bất động sản đã tăng gấp đôi so với giai đoạn trước.

Được biết, tại khu đô thị Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội), rất nhiều căn nhà liền kề và biệt thự hoàn thiện phần thô nhưng không có người ở nhưng vẫn được rao bán với giá cao, từ 200-300 triệu đồng/m². Đơn cử, một căn biệt thự 300m² ở vị trí góc, xây 4 tầng, đang được chào bán với mức giá lên tới 90 tỷ đồng (tương đương 300 triệu đồng/m²).

Hoặc tại khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn (Hà Đông) hiện cũng đang có hàng loạt dãy nhà biệt thự, liền kề vắng bóng người ở. Đa phần, các khu nhà liền kề được cho thuê kho ở tầng 1 hoặc làm các văn phòng, song khá thưa thớt người dân sinh sống. Tuy nhiên mức giá tại đây cũng tăng chóng mặt. Một căn liền kề tại đây có diện tích 90m², hiện đang được bán với giá 17,9 tỷ đồng, tương đương gần 200 triệu đồng/m². Trong khi trước đó khoảng 1 năm, giá của những căn liền kề này chỉ khoảng 150 triệu đồng/m². Hay 1 căn liền kề khác có diện tích 80m², giá 19 tỷ đồng, tương đương 237 triệu đồng/m², giá khoảng 1 năm trước đó khoảng 160 - 170 triệu đồng/m².

Theo khảo sát của công ty PropertyGuru Việt Nam, giá liền kề, biệt thự tại khu đô thị này đã tăng 37,5% trong vòng 1 năm qua.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại khu đô thị Nam An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội), nơi có hàng loạt căn biệt thự, nhà liền kề bị bỏ không dù đã xây dựng xong từ lâu. Giá bán hiện tại ở đây rơi vào khoảng 150-200 triệu đồng/m², với một số căn ở vị trí đẹp được rao giá tới 230 triệu đồng/m².

Trong khi đó, chỉ 3 năm trước, vào năm 2022, giá bán tại Nam An Khánh dao động từ 60-100 triệu đồng/m². Như vậy, mức giá đã tăng gấp đôi chỉ sau thời gian ngắn.

Nhiều căn nhà liền kề, biệt thự bỏ hoang vẫn giao bán giá "trên trời". (Ảnh: Bình Minh)

Nhiều căn nhà liền kề, biệt thự bỏ hoang vẫn giao bán giá "trên trời". (Ảnh: Bình Minh)

Trong báo cáo thị trường mới đây, hãng tư vấn bất động sản CBRE cho biết quý I ghi nhận lượng cung biệt thự liền kề lớn nhất tại thị trường Hà Nội từ trước tới nay.

Nhiều căn biệt thự, liền kề từng bị “đắp chiếu” nhiều năm hiện được rao bán với mức giá cao hơn 30% so với cùng kỳ, thậm chí gấp đôi so với năm ngoái.

Biệt thư bỏ hoang vẫn tăng giá

Giải thích về hiện tượng này, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội – nhận định giá biệt thự và liền kề tăng mạnh chủ yếu do cung không đáp ứng được cầu. Khi quỹ đất ngày càng khan hiếm và số lượng dự án mới hạn chế, các sản phẩm cũ, dù bỏ hoang, cũng trở nên "có giá".

Bà Phạm Thị Miền - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam - cho rằng, giá nhà liền kề, biệt thự trong thời gian qua đã bị đẩy lên rất cao. Nguyên nhân là nguồn cung của phân khúc này không có nhiều. Bên cạnh đó, các sản phẩm liền kề, biệt thự mới hiện đều được phát triển ở phân khúc cao cấp hơn, nên giá bị đẩy lên cao: "Giá biệt thự, liền kề sơ cấp bị đẩy lên cao kéo theo giá tại thị trường thứ cấp tăng cao. Trong năm nay, giá của phân khúc này sẽ khó giảm mà có thể đi ngang".

Bên cạnh đó, Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội cho biết: "Các biệt thự đó cũng là sản phẩm bất động sản. Thế nên, hiện nay, các bất động sản đều trong xu thế tăng giá và ở ngưỡng cao thì các bất động sản, biệt thự bỏ hoang ở một khía cạnh nào đó cũng không ngoại lệ".

Có thể nói, việc biệt thự và nhà liền kề bị bỏ hoang vẫn tăng giá là kết quả của sự kết hợp giữa khan hiếm nguồn cung, tâm lý đầu tư dài hạn, kỳ vọng quy hoạch và sự vận hành của thị trường thứ cấp. Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản đang thiếu sự phát triển lành mạnh và bền vững, khi giá trị thực không gắn liền với khả năng khai thác, sử dụng. Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ hình thành "bong bóng giá" là điều không thể xem nhẹ. Việc điều tiết thị trường, thúc đẩy phát triển hạ tầng đồng bộ và kiểm soát đầu cơ là điều cần thiết để thị trường vận hành đúng hướng.

Bình Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/biet-thu-nha-lien-ke-bo-hoang-la-liet-gia-van-tren-troi-10305800.html