Đề xuất tăng thẩm quyền của Tòa khu vực so với Tòa cấp huyện hiện nay
Dự thảo 1 luật sửa 5 luật trong lĩnh vực tư pháp quy định về việc tăng thẩm quyền của Tòa khu vực để phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong ngành TAND...
Ngày 12-5, theo nghị trình, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS), Luật Tố tụng hành chính (TTHC), Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Tăng thẩm quyền cho Tòa khu vực
Trình bày tờ trình, Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí cho hay dự án Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền của Tòa án các cấp trong giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, giải quyết phá sản, tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, có liên quan trực tiếp đến tổ chức bộ máy, thẩm quyền của TAND.
Trên cơ sở mô hình tổ chức TAND 3 cấp, dự luật sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền của TAND khu vực, TAND cấp tỉnh, TAND Tối cao.
Đáng chú ý, Chánh án Lê Minh Trí cho biết dự thảo điều chỉnh tăng thẩm quyền của TAND khu vực theo hướng Tòa khu vực có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tất cả các vụ việc dân sự, vụ án hành chính (Điều 35 Bộ luật TTDS, Điều 31 Luật TTHC); giải quyết phá sản (Điều 8 Luật Phá sản); tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định (Điều 7 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án).

Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí.
Thẩm tra dự luật, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận định dự thảo Luật quy định tăng thẩm quyền cho Tòa khu vực so với Tòa cấp huyện hiện nay. Theo đó, Tòa khu vực có thẩm quyền xét xử sơ thẩm tất cả các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, giải quyết phá sản, phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong ngành TAND, bảo đảm tất cả các vụ án, vụ việc dân sự, hành chính, phá sản đều được giải quyết từ cơ sở (Tòa khu vực).
“Tòa khu vực với quy mô, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ lớn hơn, tổ chức bộ máy, nguồn lực về đội ngũ cán bộ, Thẩm phán và cơ sở vật chất được tăng cường sẽ có khả năng thực hiện tốt thẩm quyền được giao”- Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nêu lý do cơ quan này tán thành với quy định của dự thảo Luật.
Cạnh đó, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng án hành chính là loại việc khó, hầu hết các vụ việc đều liên quan đến chính quyền địa phương. Theo dự thảo Luật, Tòa khu vực được giao thẩm quyền xét xử sơ thẩm tất cả các khiếu kiện hành chính, trong đó có khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Trong khi thực tiễn xét xử thời gian qua cho thấy nhiều trường hợp người bị kiện là UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh vắng mặt tại phiên tòa vì các lý do khác nhau, khó khăn cho công tác giải quyết vụ án.
“Để TAND khu vực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị TAND Tối cao có giải pháp điều chuyển cán bộ, Thẩm phán có kinh nghiệm từ các Tòa án về tăng cường cho TAND khu vực; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, Thẩm phán”- báo cáo thẩm tra nêu.
Cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị đẩy mạnh xét xử trực tuyến các vụ án hành chính để góp phần khắc phục tình trạng người bị kiện vắng mặt tại phiên tòa; làm tốt công tác đối thoại trong giải quyết vụ án hành chính. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết có hiệu quả các khiếu kiện hành chính tại Tòa án.
Tòa cấp tỉnh không xử sơ thẩm
Một nội dung đáng chú ý khác, Chánh án TAND Tối cao cho biết dự thảo đề xuất Tòa cấp tỉnh có thẩm quyền phúc thẩm các vụ việc dân sự, vụ án hành chính mà bản án, quyết định của Tòa khu vực chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.
“TAND cấp tỉnh không còn thẩm quyền về giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ án hành chính, vụ việc dân sự; giải quyết phá sản; tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại”- ông Lê Minh Trí nói.
Đồng tình với đề xuất trên của TAND Tối cao, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đánh giá quy định trên góp phần phân định rõ hơn thẩm quyền của Tòa cấp tỉnh với Tòa khu vực. Theo đó, Tòa cấp tỉnh chủ yếu thực hiện vai trò là Tòa án cấp phúc thẩm xét xử các vụ án mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa khu vực bị kháng cáo, kháng nghị.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng bổ sung thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Chánh án TAND cấp tỉnh, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh; bổ sung thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh đối với bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm
Cơ quan thẩm tra nhận định với quy định này, công tác xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của TAND khu vực sẽ được tiến hành chủ yếu tại địa phương, góp phần giảm áp lực lên TAND Tối cao. Điều này phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong ngành TAND và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đương sự.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM).
Thảo luận tại tổ sau đó, luật sư Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng có hai loại thẩm quyền không nên giao cho Tòa khu vực mà giao cho Tòa kinh tế cấp tỉnh. Thứ nhất là thẩm quyền xét xử hủy phán quyết trọng tài. Theo quy định hiện hành, Tòa án có thẩm quyền xem xét hủy phán quyết trọng tài là tòa cấp tỉnh nơi Hội đồng trọng tài đã tuyên phán quyết trọng tài.
“Có phán quyết trọng tài lên đến hàng ngàn tỉ đồng, cả tỉ USD. Chúng ta hội nhập sâu rộng thì các phán quyết trọng tài có tính quốc tế rất cao, điều này có thể dẫn đến những rắc rối trong quan hệ ngoại giao. Chúng tôi đề nghị giao thẩm quyền này cho tòa án tỉnh”- ông Trương Trọng Nghĩa nói.
Ông cho biết tới đây sẽ có hàng trăm tòa án khu vực được thành lập trong cả nước, hiện chỉ có tòa án của mấy chục tỉnh thành mà chúng ta đã gặp nhiều vấn đề phức tạp.
Ngoài ra, vị đại biểu của Đoàn ĐBQH TP.HCM cũng đề xuất giao thẩm quyền xử bắt giữ tàu bay, tàu biển cho tòa cấp tỉnh, bởi đây cũng là việc liên quan đến quốc tế.
Sửa Luật mạnh hơn để nâng cao hiệu quả xử án hành chính
Đề cập đến Luật TTHC, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) cho rằng, dự thảo Luật mới chỉ chỉnh sửa một số từ ngữ cho phù hợp với quy định mới. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế và hiệu quả xử lý các án hành chính thì luật cần được sửa đổi mạnh mẽ hơn.
Ông Chính viện dẫn số liệu tổng kết năm 2024 của TAND Tối cao, cả nước thụ lý hơn 13.000 vụ án hành chính, trong đó hơn 11.000 vụ liên quan đến kiện chủ tịch tỉnh, quận, huyện… nhưng chỉ giải quyết được khoảng 8.000 vụ.
“Thực tế cho thấy, việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính của UBND các cấp, đặc biệt là Chủ tịch UBND các cấp chưa tích cực. Có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, như việc cung cấp tài liệu, chứng cứ không đầy đủ khiến tòa không thể giải quyết vụ án”, ông Chính cho hay.
Cũng theo vị đại biểu, trước đây, chủ tịch UBND có thể ủy quyền cho trưởng hoặc phó phòng, nhưng hiện nay chỉ được ủy quyền cho phó chủ tịch UBND. Trong khi đó, cấp phó lại thường rất bận, khó tham gia đầy đủ các phiên tòa, dẫn đến án không giải quyết được.
Theo ông Chính, đây là điểm bất cập rất lớn, cần phải sửa đổi luật để khắc phục.
“Do đó, tôi mạnh dạn đề xuất cần sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật Tố tụng hành chính để bảo đảm hoạt động tố tụng hiệu quả, tăng cường niềm tin của nhân dân vào Nhà nước và bảo vệ đầy đủ quyền lợi hợp pháp của người dân”, ông Chính nói.