Ngăn chặn thực phẩm bẩn đi vào thành phố
Trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025, nhiều vụ kiểm tra đột xuất trên địa bàn Hà Nội đã phát hiện hàng loạt kho hàng, điểm tập kết kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc trà trộn vào các hàng hóa có nhãn mác, bao bì được cơ quan chức năng kiểm định.
Nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm hiện nay không đảm bảo an toàn. Thực trạng này báo động về vấn nạn thực phẩm bẩn, mất an toàn đang tiêu thụ tràn lan ngoài thị trường.
Một kho thực phẩm đông lạnh núp bóng bãi cho thuê trông giữ phương tiện ô tô; hơn một tấn thực phẩm gồm xúc xích, lạp xưởng, viên thả lẩu các loại được để trà trộn cùng hàng Việt Nam trong các kho lạnh... Nếu ở trên bàn ăn, đây sẽ là những loại thực phẩm được người tiêu dùng vô cùng ưa chuộng. Nhưng tại nơi vi phạm, theo lực lượng chức năng, chúng là những thứ đồ cần phải tiêu hủy do không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đại úy Trần Xuân Mạnh – Đội phó Đội 7 – Phòng Cảnh sát kinh tế – Công an thành phố Hà Nội cho hay: "Đối tượng khi nhập thực phẩm về là có cả hàng công ty trà trộn lẫn với hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ, không xác định được nguồn gốc. Thứ hai, khi vận chuyển thì các đối tượng để vào trong các thùng xốp quấn kín băng dính, rất khó phát hiện bên trong là cái gì".
Một chủ hàng khai nhận, việc kinh doanh thực phẩm mới bắt đầu từ cuối tháng 12/2024. Thực phẩm được đổ buôn đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước, chứ không chỉ Hà Nội. Mỗi ngày, cơ sở chuyển đi hàng chục đơn hàng với hàng trăm tấn thực phẩm đông lạnh.
Còn tại cơ sở phân phối gà đông lạnh nằm trong một lán tạm gần chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ – huyện Thường Tín, xe hàng khắp nơi đổ về. Trên xe có chứa 300 sọt gà chứa sơ sài, không hóa đơn, không nguồn gốc xuất xứ, sẵn sàng đưa đến nhiều nơi không riêng gì Hà Nội. Gà là thật, nhưng nguồn gốc ở đâu thì chủ cơ sở không biết, mức giá bán ra thị trường cao hơn giá nhập từ 2 – 3 lần. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong kho lạnh có chứa khoảng 20 tấn gà đông lạnh, gà ủ muối và nội tạng gia cầm, nhiều sản phẩm có dấu hiệu hư hỏng.
Đại úy Nguyễn Duy Tuấn Minh – Đội trưởng Đội 7 – Phòng Cảnh sát kinh tế – Công an thành phố Hà Nội cho biết: "Đối với số hàng hóa mà cơ quan chức năng kiểm đếm và thu giữ, nếu các đối tượng đưa trót lọt ra ngoài thị trường thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng cũng như là ảnh hưởng đến các cơ sở kinh doanh giết mổ gia cầm đạt đủ tiêu chuẩn theo quy định".
Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, hơn 10 vụ vi phạm với số lượng lên tới hàng chục tấn thực phẩm bẩn đã bị Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Hà Nội phát hiện, xử lý. Vấn đề đặt ra ở đây là nếu không bị phát hiện, thu giữ, những sản phẩm này sẽ được phân phối đi khắp nơi và người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp về sức khỏe.
Kinh doanh thực phẩm “bẩn” mang lại lợi nhuận cao nên các đối tượng thường bất chấp quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các hành vi này nếu chỉ xử phạt hành chính và yêu cầu hoàn thiện các thủ tục cấp phép kinh doanh sẽ không thể chặn tận gốc được vấn đề. Vì vậy, cần những chế tài nghiêm khắc hơn nữa để răn đe; những trường hợp vi phạm nhiều lần, số lượng lớn cần phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/ngan-chan-thuc-pham-ban-di-vao-thanh-pho-329131.htm