Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá: Cần xem xét, đánh giá cẩn trọng

Ủng hộ việc sử dụng công cụ thuế để hạn chế tiêu dùng thuốc lá nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc áp thuế TTĐB với thuốc lá cần được đánh giá cẩn thận.

Ngày 16/7, Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo ''Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá''.

Toàn cảnh Hội thảo "Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá".

Toàn cảnh Hội thảo "Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá".

Đề xuất 2 phương án tăng thuế

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho hay, Việt Nam nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Tại Việt Nam có khoảng 40 nghìn người tử vong mỗi năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá.

Theo Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách, mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp, nhiều chương trình hành động, bao gồm cả việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo lộ trình vào năm 2016 và 2019, nhưng kết quả thu được chưa cao, tỷ lệ người sử dụng thuốc lá tại Việt Nam có giảm nhưng tốc độ giảm khá khiêm tốn, từ mức 47,4% tỷ lệ hút thuốc ở nam giới vào năm 2010 xuống 45,3% vào năm 2015 và khoảng 42,7% vào năm 2022.

Bà Lê Thùy Linh, đại diện Cục Quản lý giám sát Chính sách thuế, phí, lệ phí, Bộ Tài chính cho hay, ngày 8/6/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và được sự nhất trí của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Đề nghị xây dựng Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) về việc thông qua nguyên tắc tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá, tại hồ sơ dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung mức thuế tuyệt đối đối với mặt hàng thuốc lá và đưa ra 2 phương án tăng thuế theo lộ trình từ năm 2026 đến năm 2030.

Dự thảo đề xuất hai phương án: Thứ nhất sẽ tăng 2.000 đồng/bao ở năm đầu tiên và đạt mức tăng 10.000 đồng vào năm 2030. Phương án thứ hai là áp dụng mức tăng 5.000 đồng/bao từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 5 năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030.

Liên quan đến dự thảo này, bà Tô Kim Huệ, đại diện Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho biết, việc đánh giá tác động thông qua mô hình phân tích cho thấy đến năm 2030, sản lượng thuốc lá hợp pháp (ở cả 2 phương án do Bộ Tài chính đề xuất) dự kiến sẽ giảm mạnh, cùng với đó số lượng thuốc lá lậu khả năng sẽ tăng nhanh. Điều này dẫn đến tổng lượng thuốc lá tiêu thụ trên thực tiễn sẽ giảm không đáng kể chỉ ở mức 7% ở cả 2 phương án so với năm 2025.

Với 2 phương án tăng thuế được đề xuất, thu ngân sách Nhà nước sẽ tăng trung bình khoảng 13%/năm. Tuy nhiên, tỷ lệ trốn thuế do thuốc lá lậu tăng trung bình khoảng 33-34%/năm do người tiêu dùng chuyển đổi hành vi tiêu dùng do tăng nhanh thuế,” bà Tô Kim Huệ nói.

Cần lộ trình hợp lý để tránh "kích cầu hàng lậu"

Chia sẻ các bài học kinh nghiệm từ quốc tế, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch PwC Việt Nam chỉ ra tại Đức, trong giai đoạn 2002-2005, thuế tuyệt đối với sản phẩm thuốc lá tăng 48% và thuế tương đối tăng khoảng 8%. Theo đó, người tiêu dùng chuyển sang mua thuốc lá từ các quốc gia khác, lượng tiêu thụ thuốc lá hợp pháp giảm khoảng 34% và ngân sách Nhà nước bị trì trệ.

Năm 2011, nước Anh cũng tăng 30% thuế tuyệt đối và khiến cho thuốc lá nhập lậu gia tăng, chiếm khoảng 20% thị trường vào năm 2016. Tình trạng này đã gây thất thu thuế khoảng 3,2 tỷ USD. Đối với Malaysia, sau khi tăng thuế vào giai đoạn 2014-2015, sản lượng thuốc lá hợp pháp giảm tới 55% chỉ sau 5 năm. Song, thuốc lá lậu tăng mạnh và chiếm 65% thị phần vào năm 2020, gây thất thoát khoảng 1 tỷ USD tiền thuế.

Với Việt Nam, bà Quỳnh Vân cho rằng kịch bản trên cũng có thể xảy ra nếu thuế TTĐB thuốc lá tăng quá nhanh. Theo tính toán, sản lượng thuốc lá hợp pháp có thể sẽ giảm hơn 70% vào năm 2030 so với hiện tại. Cùng với đó, thuốc lá lậu sẽ tăng thêm khoảng 50 tỷ điếu vào năm 2030, dẫn đến thất thu thuế từ thuốc lá lậu có thể lên đến 40 nghìn tỷ đồng (so với mức 5-6 nghìn tỷ đồng hiện tại). Thêm vào đó, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và rủi ro, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa tương tự như tại Malaysia.

Đề cập đến thực trạng quản lý thuốc lá lậu tại Việt Nam, ông Kiều Dương, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) nêu, tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn diễn ra khá phức tạp với 59.639 vụ bị bắt giữ, 37,5 triệu bao thuốc lá lậu bị tịch thu và 22,1 triệu bao thuốc lá lậu bị tiêu hủy trong giai đoạn 5 năm (2019-2023). Theo đó, Nhà nước đã bị thất thu thuế khoảng 5.000-6.000 tỷ đồng/năm.

Ông Kiều Dương cho biết rất ủng hộ tăng thuế TTĐB nhằm giúp điều tiết hành vi người dùng và tăng thu ngân sách. Nhưng, ông nhấn mạnh nếu thuế suất tăng đột ngột khiến giá bán của sản phẩm hợp pháp cao, đồng thời người tiêu dùng có xu hướng tìm đến thuốc lá lậu để thay thế. Trong khi đó, công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá tại Việt Nam vẫn đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, ông Dương cho rằng chính sách thuế cần được điều chỉnh hợp lý để làm giảm động lực của những người buôn lậu, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá đầu tư vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đại diện từ Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc lá tại Việt Nam đề xuất Bộ Tài chính sửa đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (bằng cách thực hiện áp mức thuế tuyệt đối) ở mức vừa phải với lộ trình tăng thuế hợp lý đến năm 2030. Cụ thể, các đại diện đề xuất mức thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao 20 điếu vào năm 2026 và tăng 500 đồng/năm, hoặc 1.000 đồng/bao mỗi 2 năm vào những năm tiếp theo và đến năm 2030 là 3.000 đồng/bao.

Theo vị đại diện này, phương án đề xuất trên nhằm tạo ra mức tăng thuế hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp thuốc lá hợp pháp có thời gian thích nghi và ổn định sản xuất, từ đó giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực việc làm của người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Phương án này cũng giúp hạn chế tốc độ tăng trưởng của thuốc lá lậu, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng ngân sách bền vững trong dài hạn với mức thu ngân sách ước tính đạt khoảng 29,5-30 nghìn tỷ vào năm 2030, tăng trưởng 7%-9%/năm.

Đến năm 2030, sản lượng thuốc lá nội địa hợp pháp dự kiến sẽ giảm gần 1 tỷ bao và ước tính tỷ lệ hút thuốc sẽ còn 37,4%. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Nhà nước về mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng nhưng vẫn đảm bảo sự hài hòa về nguồn cung hợp pháp để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và ngăn chặn họ chuyển sang sử dụng thuốc lá nhập lậu” đại diện của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho hay.

Kết luận Hội thảo, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) bày tỏ, các ý kiến tại Hội thảo đều thống nhất với việc tăng mức thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá. Tuy nhiên, bà Cúc cho rằng việc lựa chọn phương án, lộ trình tăng thuế cần phải đảm bảo hài hòa giữa lợi ích sức khỏe cộng đồng, ổn định sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và ngân sách của nhà nước.

Duy Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-xuat-tang-thue-tieu-thu-dac-biet-doi-voi-san-pham-thuoc-la-ca-n-xem-xet-danh-gia-ca-n-trong-332680.html