Đề xuất thành lập Hội đồng xử lý tài sản thi hành án đối với vụ án phức tạp
TS-LS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đề xuất có những quy định rõ ràng trong vấn đề định giá tài sản; cạnh đó cần thành lập các hội đồng/ban chỉ đạo thu hồi tài sản trong các vụ án phức tạp.
Ngày 14-5, Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo "Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự - Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án kinh tế".
Một trong những nội dung đáng chú ý được đưa ra thảo luận, góp ý đó chính vấn đề định giá tài sản trong tố tụng hình sự và thi hành án (THA).

Hội thảo "Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự - Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án kinh tế" do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức sáng 14-5. Ảnh: NGUYỆT NHI
Nhiều bất cập về định giá tài sản
TS.LS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, chỉ ra bất cập đầu tiên là về thời điểm định giá và thời hạn hiệu lực của chứng thư thẩm định giá. Theo đó, hiện nay trong các vụ án thời điểm định giá là thời điểm cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu. Việc này là chưa phù hợp, gây bất lợi cho người phạm tội trong trường hợp thời điểm xảy ra vụ án diễn ra cách xa thời điểm định giá, dẫn tới có sự chênh lệch rất lớn trong việc xác định tài sản bị xâm hại tại hai thời điểm trên

TS-LS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đề xuất đối với các vụ án phức tạp, tài sản lớn cần thành lập Ban chỉ đạo/hội đồng xử lý tài sản để thu hồi tối đa thiệt hại của vụ án. Ảnh: NGUYỆT NHI
Trong khi đó, các vụ án hình sự hay dân sự có thể được/bị giải quyết trong một thời hạn khá dài nên xác định thời điểm định giá là thời điểm của sơ thẩm lần đầu hay mỗi một giai đoạn sẽ tiến hành định giá cho phù hợp với giá thị trường nơi có tài sản tranh chấp là một vấn đề chưa được hướng dẫn cụ thể.
Tiếp theo là hiệu lực của chứng thư thẩm định giá trong quá trình THA, theo quy định chứng chỉ có hiệu lực trong vòng 6 tháng (rất ngắn), về nguyên tắc thì phải tiến hành định giá để tổ chức đấu giá tài sản, nhưng trong nhiều trường hợp, do đương sự gây khó khăn hoặc vì nguyên nhân khách quan khác nên nhiều trường hợp tài sản không được định giá lại.
Cũng theo LS Hoài, về phương pháp định giá hiện cũng tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể, khi áp dụng phương pháp so sánh đơn vị định giá phải thực hiện khảo sát và thu thập thông tin về tài sản so sánh. Trong đó có việc thu thập từ các phương tiện thông tin đại chúng; mạng Internet... dẫn đến có những băn khoăn về tính pháp lý và xác thực của các nguồn thông tin này.
Đó là chưa kể nếu trong trường hợp chứng thư thẩm định giá do yêu cầu không chỉ của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án, mà theo yêu cầu của pháp nhân, đương sự có sự khác biệt về giá trị thẩm định từ chính các đơn vị thẩm định nằm trong danh mục do Bộ Tài chính cung cấp thì việc xác định giá của bất động sản để bán đấu giá được giải quyết như thế nào?
Về thực tế thi hành và triển khai áp dụng, LS Hoài dẫn chứng một vài ví dụ cho những bất cập trong vấn đề định giá tài sản. Theo đó, trong một vụ án gây thiệt hại cho một ngân hàng khi tiến hành định giá tài sản, rất nhiều tài sản là cổ phần cổ phiếu, tài sản hình thành trong tương lai không được xem xét định giá (cho rằng chưa đủ cơ sở pháp lý) để đối trừ nghĩa vụ cũng như thiệt hại của vụ án, trong khi những tài sản này có giá trị rất lớn.

Hội thảo "Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự - Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án kinh tế" có sự tham dự của rất nhiều chuyên gia. Ảnh: NGUYỆT NHI
Tiếp đến là sự khác biệt trong kết quả thẩm định giá đối với bất động sản của các Công ty Thẩm định giá. Theo đó, đã từng có vụ án được giải quyết nhưng khi so sánh kết quả định giá của hai Công ty định giá thì lại có sự chênh lệch rất lớn, ảnh hưởng đến trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo cũng như quá trình THA.
Về hiệu lực của chứng thư, LS Hoài dẫn chứng trong vụ án xảy ra tại ngân hàng S. Công ty thẩm định giá H. đã giải thích giá trị tài sản không phụ thuộc vào ngày phát hành chứng thư thẩm định giá. Điều này đồng nghĩa với việc giá trị tài sản được thẩm định giá tại thời điểm nhất định đó luôn luôn là không thay đổi. Nhận định này của công ty thẩm định giá lại đang mâu thuẫn với quy định hiện hành và nguyên tắc xác định giá.
Hay trong vụ án khác liên quan thẩm định giá tài sản THA tại Chi cục THADS TDM (tỉnh B.) được đưa ra xét xử ngày 12-5-2025 vừa qua, thì khi tổ chức THA chứng thư thẩm định hết hiệu lực, về nguyên tắc khi chứng thư hết hiệu lực thì phải định giá lại nhưng trong vụ án này sau khi họp liên ngành và xin ý kiến các cơ quan liên quan, cơ quan THADS xác định không có căn cứ để định giá lại và sử dụng chứng thư đã định giá trước đó.

TS Nguyễn Văn Tiến, Phó Trưởng khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN
Cần thành lập hội đồng xử lý tài sản đối với các vụ đại án
Từ những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện, LS Hoài đề xuất xem xét và có cơ chế thống nhất xử lý đối với các tài sản đang hình thành dở dang hoặc chưa hoàn thiện về pháp lý, quyền tài sản liên quan đến cổ phần, cổ phiếu; đảm bảo việc định giá tài sản theo các căn cứ và phương pháp phù hợp quy định của pháp luật và giá cả thị trường nhằm thu hồi tối đa tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả vụ án.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng Cục THADS TP.HCM, cho rằng nếu tính chất tài sản, dòng tiền được làm rõ ngay từ giai đoạn điều tra thì sẽ rất thuận lợi trong giai đoạn thi hành án. Ảnh: NGUYỆT NHI
Trong quá trình THA, đối với những vụ án phức tạp, liên quan đến các tài sản bị kê biên, phong tỏa có giá trị lớn, hồ sơ pháp lý phức tạp cần thành lập Hội đồng xử lý tài sản THA đối với các vụ đại án kinh tế, tham nhũng để tập trung sức mạnh tổng hợp và có cơ chế tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý và thủ tục để hồi sinh các dự án bất động sản có giá trị đặc biệt lớn để nguồn tiền khắc phục hậu quả vụ án. Ví dụ Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo thu hồi tài sản trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Về giải pháp xây dựng và thi hành pháp luật cần quy định trình tự và thủ tục để đảm bảo thu thập thông tin phải khách quan, đúng thực tế, phải có tính hệ thống, phù hợp với tài sản thẩm định giá, mục đích thẩm định giá, cơ sở giá trị thẩm định giá và phù hợp với cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá.
Đối với những tài sản đặc thù như cổ phần, cổ phiếu, các giấy tờ có giá khác, quyền về tài sản và tài sản hình thành trong tương lai cần có quy định bắt buộc về cơ chế thẩm định giá đối với các tài sản này để tránh trường hợp công ty định giá tự không định giá nhóm tài sản này trong khi thực tế những tài sản này thực tế có giá trị.
Tiếp đến là cần có quy định, hướng dẫn cụ thể liên quan đến xác định thời điểm định giá tài sản là thời điểm tài sản bị xâm phạm để đảm bảo sự thống nhất trong quá trình áp dụng và theo hướng có lợi cho người phạm tội.
Tiếp đến là cần hoàn thiện quy định về việc khi định giá tài sản Hội đồng định giá cần tham khảo mức giá tại địa phương hoặc căn cứ vào giá trị tài sản do các bên cung cấp để chia ra giá trị bình quân. Hội đồng định giá chỉ định giá theo khung giá khi thu thập được đầy đủ các chứng cứ chứng minh khung giá đó là sát với giá thị trường...