Đề xuất thí điểm cửa khẩu thông minh để giải tỏa nông sản ùn tắc
Do đang vào mùa cao điểm của các loại trái cây như sầu riêng, xoài... nên tình hình thông quan hàng nông sản tại các cửa khẩu có dấu hiệu quá tải, ùn tắc, vượt quá năng lực của các khu vực cửa khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Cục Hải quan Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc) đã thống nhất nghiên cứu đưa hệ thống cửa khẩu thông minh vào hoạt động thí điểm để góp phần tạo thuận lợi cho nông sản Việt khi nhập khẩu vào Trung Quốc.
Mở tất cả các cặp cửa khẩu
Ngày 30/5, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cùng đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi hội đàm với ông Hứa Hiển Huy, Phó Chủ tịch Khu tự trị Dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây và ông Vương Vị Băng, Cục trưởng Hải quan Nam Ninh, Quảng Tây, (Trung Quốc) về thúc đẩy xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam với Quảng Tây.
Tại buổi làm việc, ông Vương Vị Băng, Cục trưởng Hải quan Nam Ninh nhấn mạnh, đối với thương mại nông sản, vấn đề kiểm dịch và đẩy nhanh quá trình thông quan được Hải quan Nam Ninh rất coi trọng.
Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, 4 tháng đầu năm nay, các cửa khẩu của tỉnh Quảng Tây đã nhập khẩu 2,49 tỷ Nhân dân tệ các nông sản của Việt Nam, tăng 44,7% so với cùng kỳ 2022, chiếm 19,7% tổng số nông sản nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc. Thương mại nông sản giữa Trung Quốc và Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ, trong đó Quảng Tây là cửa ngõ nhập khẩu nông sản lớn nhất của Trung Quốc.
Do đang vào mùa cao điểm của các loại trái cây như sầu riêng, xoài nên tình hình thông quan tại các cửa khẩu có dấu hiệu quá tải, vượt quá năng lực của các khu vực cửa khẩu. Tuy nhiên, với những nỗ lực của hai bên, tình trạng thông quan hàng hóa vẫn duy trì bình thường.
Ông Vương Vị Băng đề xuất, cần tăng cường nghiên cứu đưa hệ thống cửa khẩu thông minh vào hoạt động thí điểm. Theo ông, phía Trung Quốc đã kiến nghị thiết lập hệ thống hải quan thông minh, còn phía Việt Nam thì cho ra đời hệ thống cửa khẩu số nên điều này rất tương đồng về quan điểm.
Ngoài ra, lãnh đạo Hải quan Nam Ninh đề xuất tiếp tục tạo thuận lợi cho thương mại nông sản nói riêng và thúc đẩy phát triển thương mại Việt Nam-Trung Quốc nói chung, đặc biệt là khi tiềm năng phát hợp tác trong thương mại nông sản giữa hai nước là rất lớn.
Liên quan vấn đề cửa khẩu số, hải quan thông minh, Thứ trưởng Nam bày tỏ sự tán thành về mặt chủ trương. Tuy nhiên, ông đề xuất phía Hải quan Nam Ninh sớm xây dựng đề án cụ thể, vì ở khu vực cửa khẩu có nhiều đơn vị cùng làm nhiệm vụ chứ không phải chỉ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
“Tôi cho rằng cả thế giới đều đang hướng đến mục tiêu hiện đại, thông minh và bền vững nên chúng ta cũng nên sớm xây dựng hệ thống cửa khẩu thông minh,” Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Ngoài ra, một số vấn đề cần bàn luận trực tiếp, ví dụ như các tiêu chuẩn xuất nhập khẩu hàng nông sản; cơ chế thông quan, cấp mã QR để kiểm soát lượng hàng hóa và các chính sách để hai bên cùng phối hợp điều hành, ông Nam góp ý.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng cần trao đổi thông tin nhiều hơn giữa các đơn vị ở cửa khẩu để thông quan được thuận lợi.
Vấn đề ưu tiên thông quan sớm cho một số mặt hàng nông sản cũng được đề cập, bởi nhiều nông sản phải chờ lâu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Hiện nay lưu lượng hàng hóa của hai nước trao đổi qua khu vực Quảng Tây rất lớn, gây áp lực lên thông quan. Để giải quyết kịp thời các vấn đề tại cửa khẩu, Thứ trưởng đề nghị phía Hải quan Nam Ninh thiết lập một đầu mối thông tin để hai bên dễ dàng liên lạc.
Bên cạnh đó, Quảng Tây có biên giới với 4 tỉnh của Việt Nam với 9 cặp cửa khẩu, nhưng chỉ 6 trong số đó được xuất nhập khẩu rau quả. Thứ trưởng Trần Thanh Nam kiến nghị Hải quan Nam Ninh xem xét, mở rộng quy mô lên toàn bộ 9 cặp cửa khẩu, giảm áp lực cho các cửa khẩu truyền thống, tránh ùn tắc, bớt chi phí.
Xây kho lạnh, trung tâm giết mổ ở khu vực biên giới
Để tạo điều kiện thúc đẩy thương mại nông sản cả trên đường bộ và đường biển, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề cập ý tưởng thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nông sản Việt Nam-Quảng Tây, tập hợp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của hai nước để thuận lợi cho việc kết nối, quản lý.
Nhu cầu hợp tác các doanh nghiệp nông sản giữa hai nước rất lớn, ví dụ như trong các mùa thu hoạch trái cây như mùa vải đang diễn ra ở Bắc Giang, Hải Dương. Việc thành lập hiệp hội sẽ giúp các cơ quan chức năng tiếp cận gần hơn với các doanh nghiệp, định hướng, hỗ trợ tốt hơn để đẩy mạnh kim ngạch xuất nhập khẩu.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng kiến nghị thành lập các chuỗi doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc trong lĩnh vực logistics, đặc biệt là chuỗi lạnh với sự kiểm soát của cơ quan chức năng hai nước để phục vụ xuất nhập khẩu nông sản, đảm bảo chất lượng, giảm giá thành.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nêu ý tưởng xây dựng các kho lạnh hay trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm ở khu vực biên giới, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của hai nước, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm.
“Việt Nam có nhiều vùng an toàn dịch bệnh chăn nuôi, nhiều doanh nghiệp đầu tư lớn cho các chuỗi sản xuất chăn nuôi và xuất khẩu đi một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… Chúng tôi sẽ đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Tổng cục Hải quan Trung Quốc để sớm mở cửa cho các sản phẩm chăn nuôi Việt Nam,” Thứ trưởng Trần Thanh Nam thông tin.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng lưu ý thỏa thuận về kiểm soát an toàn thực phẩm với sản phẩm thủy sản Việt Nam và Trung Quốc sẽ hết hạn vào tháng 9/2023. Thứ trưởng đề nghị Hải quan Trung Quốc sớm hoàn tất các thủ tục để ký nghị định thư mới về xuất nhập khẩu thủy sản và các loài thủy sản sống giữa hai nước, đề xuất phía Hải quan Nam Ninh xem xét, mở rộng danh mục thủy sản và loài thủy sản sống, phê duyệt thêm danh sách các doanh nghiệp được phép xuất nhập khẩu./.