Đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước ở Tp.Hồ Chí Minh: Nhiều ý kiến trái chiều
Người dân Tp. Hồ Chí Minh đang lo ngại giá nước sinh hoạt sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, sau khi Sở Xây dựng có tờ trình gửi UBND TP về việc ban hành phí dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải.
Nhiều người dân Tp. Hồ Chí Minh đang lo ngại giá nước sinh hoạt sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, sau khi Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh có tờ trình gửi UBND thành phố về việc ban hành phí dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải thu theo sử dụng nước sạch thay thế cho phí bảo vệ môi trường trên địa bàn giai đoạn 2020-2024.
Trong khi đó, các chuyên gia môi trường có nhiều nhận định trái chiều về tính hiệu quả của đề xuất này trong việc xử lý nước thải và giảm ngập cho thành phố.
Thêm 45% thuế phí trên mỗi hóa đơn tiền nước
Theo tờ trình của Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh, hiện nay người sử dụng nước trên địa bàn thành phố ngoài việc trả tiền mua nước sạch còn đóng thêm 10% phí bảo vệ môi trường.
Phí bảo vệ môi trường này sẽ được thay thế bằng phí dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải với mức thu khởi điểm 10% như cũ, cùng lộ trình tăng theo từng năm trong vòng 5 năm từ năm 2020 đến năm 2024.
Về lộ trình tăng cụ thể, Sở Xây dựng đề xuất 3 phương án: phương án 1 là tăng 3%/năm; phương án 2 là tăng 5%/năm và phương án 3 là tăng 10% trong năm đầu và 5%/năm trong 4 năm kế tiếp.
Cách tính phí vẫn dựa vào đơn giá sử dụng nước của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn thành phố.
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, trong 3 phương án trên thì phương án 2 là khả thi nhất, do mức tăng vừa phải sẽ tác động ở mức có thể chấp nhận được của thu nhập người dân.
Như vậy, với mức đề xuất của phương án 2, nếu tính theo giá nước sạch trung bình năm 2020 tại Tp. Hồ Chí Minh là 9.590 đồng/m3 thì người dân sẽ chịu 15% của mức giá nước trên để chi trả cho giá dịch vụ thoát nước, tức khoảng 1.439 đồng.
ứ theo lộ trình tăng mỗi năm 5%, đến năm 2024 mức phí cho dịch vụ thoát nước sẽ tăng lên đến 35%, tương đương 4.237 đồng, qua đó đưa giá trung bình cho 1m3 tăng đến 12.107 đồng.
Tuy nhiên, nhiều hộ dân lo lắng, số tiền thực tế phải trả cho hóa đơn nước có thể còn cao hơn như vậy do từ tháng 11/2019, giá bán lẻ nước sạch tại Tp. Hồ Chí Minh cũng đã bắt đầu điều chỉnh tăng 5-7% mỗi năm cho đến năm 2022.
Theo chị Nguyễn Ngọc Phương Quỳnh (ngụ Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức), nếu đề xuất thu phí dịch vụ thoát được thông qua thì người sử dụng nước trên địa bàn thành phố sẽ chịu cảnh tăng phí chồng phí, chưa kể VAT.
Trường hợp tờ trình này được duyệt đến năm 2024, người sử dụng nước sẽ phải trả khoảng 45% thuế phí bao gồm 35% giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải cùng 10% VAT.
"Ví dụ một hộ gia đình mỗi tháng sử dụng hết 1 triệu đồng tiền nước sẽ đóng thêm khoảng 450.000 tiền thuế phí vào năm 2024, đó là chưa kể giá nước sạch cũng sẽ tăng 20-28%; tổng cộng mỗi hộ dân phải trả thêm gần 70% so với hóa đơn nước hiện tại. Mức tăng này theo tôi không phải thấp", chị Quỳnh chia sẻ.
Mặt khác, nhiều người dân cũng tin rằng việc thu phí là điều tất yếu để cải thiện tình hình thoát nước tại Tp. Hồ Chí Minh.
Theo anh Điền Trần Bảo Long (ngụ Phường 4, Quận 3), với dân số thành phố ngày càng tăng, sản xuất ngày càng mở rộng, mật độ xây dựng cao thì nguồn phí bảo trì, vận hành hệ thống thoát nước cũng cao theo, nếu vẫn giữ nguyên mức phí bảo vệ môi trường như hiện nay thì về lâu dài sẽ không thể giải quyết được nhu cầu thoát nước, giảm ngập của thành phố.
"Tất nhiên việc chi phí sử dụng nước tăng cao cũng khiến tôi lo lắng vì nước là mặt hàng thiết yếu, nhưng muốn sạch, đẹp, thông thoát thì chẳng còn cách nào khác là tăng nguồn thu để dịch vụ thoát nước vận hành thông suốt, xa hơn là đầu tư nâng cấp hệ thống thoát nước hiện đại. Tôi tin các cơ quan chức năng sẽ có sự cân nhắc, tính toán để có mức thu hợp lý, ít ảnh hưởng nhất đến đời sống người dân", anh Long cho biết.
Đề án thu phí thoát nước đã được tính toán kỹ
Ông Đặng Phú Thành, Trưởng phòng Hạ tầng Kỹ thuật, Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh cho biết, việc thu phí thoát nước của thành phố được thực hiện theo Nghị định 80/2014 của Chính phủ quy định trách nhiệm về lập, thẩm định, phê duyệt giá dịch vụ thoát nước và đã trải qua lộ trình đánh giá tổng thể trong nhiều năm chứ không vội vàng làm trong một sớm một chiều.
Sở Xây dựng cũng đã tham khảo ý kiến đánh giá của Ngân hàng Thế giới về mức độ tác động của đề án này đến thu nhập của người dân, kết quả nhận được là phí dịch vụ thoát nước chỉ làm tăng khoảng 0,051% năm 2020 và 0,197% năm 2024 trên tổng thu nhập bình quân mỗi hộ gia đình.
Theo ông Đặng Phú Thành, việc thu tiền dịch vụ thoát nước đối với các hộ dùng nước như đề xuất trên là thực hiện đúng theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý ô nhiễm môi trường.
Trước đây chi phí duy tu, sửa chữa hệ thống thoát nước được lấy từ ngân sách, bây giờ thành phố chủ trương việc thu phí phải tính đúng, tính đủ, người xả thải nhiều phải trả phí nhiều là hoàn toàn hợp lý.
Số tiền thu từ phí thoát nước sẽ được phục vụ cho việc quản lý, vận hành hệ thống thoát nước hiện hữu, gồm nạo vét, sửa chữa duy tu, bảo dưỡng hệ thống hàng năm.
Tiến sĩ Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam nhận định, lộ trình mà Sở Xây dựng đề xuất căn bản tạo sự công bằng trong xã hội.
Người gây ô nhiễm phải có trách nhiệm xử lý các chất gây ô nhiễm môi trường thông qua việc chi trả chi phí cho hoạt động đó.
Điều này sẽ giúp giảm mức bao cấp từ ngân sách thành phố, cũng như đảm bảo nguồn chi trả nợ vay từ các hoạt động đầu tư vào hệ thống thoát nước từ vốn ODA và khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư bằng hình thức đối tác công tư (PPP).
Theo ông Tô Văn Trường, về nguyên tắc, nguồn thu từ dịch vụ thoát nước phải bù đắp được chi phí dịch vụ thoát nước của địa phương, nhưng mức phí thoát nước 905 đồng/m3 mà người dân Tp. Hồ Chí Minh đang nộp hiện nay là rất thấp, chỉ bằng 1/10 chi phí xử lý nước thải của thành phố.
Ngay cả khi phí thoát nước tăng theo lộ trình đến 4.327 đồng/m3 vào năm 2024 cũng chỉ bằng 1/2 chi phí xử lý nước thải của thành phố, cơ bản giúp bảo trì hệ thống thoát nước hiện có là chính, chứ chưa thể cải tạo cả hệ thống xử lý nước thải hiện hành.
Tuy nhiên, việc tăng phí thoát nước cũng còn một tác dụng khác là khuyến khích mỗi người dân phải suy nghĩ đến việc sử dụng nước hợp lý để tiết kiệm chi phí sinh hoạt hằng ngày, từ đó giảm thiểu tình trạng lãng phí nước.
Cần minh bạch, hợp lý để thuyết phục người dân
Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh (HoREA) nhận định, hiện nay nguồn kinh phí đầu tư vào xử lý nước thải, chống ngập khá lớn trong khi ngân sách hạn hẹp thì việc tìm nguồn thu, huy động xã hội hóa đầu tư vào các lĩnh vực này là cần thiết, tuy nhiên chưa nên tiến hành trong thời điểm này.
Theo HoREA, hiện nay trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh có nhiều dự án nhà ở thương mại đang tự mình vận hành các công trình xử lý nước thải sinh hoạt mà không bàn giao cho cơ quan chuyên ngành quản lý theo quy định, do đó người dân sống trong các dự án này đang phải trả chi phí xử lý nước thải 2 lần, bao gồm chi phí cho chủ đầu tư để vận hành trạm xử lý nước thải và phí bảo vệ môi trường thông qua trả tiền nước sạch.
Nếu bây giờ thay thế phí bảo vệ môi trường bằng phí dịch vụ thoát nước với lộ trình tăng 5 năm, cộng thêm giá nước sạch với lộ trình tăng 4 năm thì những hộ dân này sẽ phải gánh mức phí gấp 3 lần, ảnh hưởng rất lớn đến chi phí sinh hoạt hàng ngày của họ.
Bên cạnh đó, trong tình hình đại dịch COVID-19 còn đang diễn biến khó lường, đa số người dân bị tác động rất lớn, một bộ phận bị thiếu việc làm, thất nghiệp, giảm thu nhập, thậm chí bị mất thu nhập, phải chi tiêu dè sẻn, nên việc đề xuất tăng thu phí xử lý nước thải trong năm nay chưa thật phù hợp.
Với quan điểm trên, ngày 18/8 vừa qua, HoREA đã gửi văn bản đề nghị UBND Tp. Hồ Chí Minh xem xét chưa nên áp dụng phí dịch vụ thoát nước trong năm 2020 theo đề xuất của Sở Xây dựng, mà nên giữ nguyên mức thu bằng 10% giá nước sạch như năm 2019 cho đến khi giải quyết dứt điểm tình hình bàn giao công trình xử lý nước thải sinh hoạt tại các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình trong tình hình đại dịch hiện nay.
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, việc thành phố muốn thu thêm phí dịch vụ thoát nước để tăng nguồn ngân sách, đầu tư là hợp lý. Song muốn thuyết phục người dân thì mức thu phải có cơ sở dữ liệu để đánh giá và phải có lộ trình nghiên cứu thận trọng, lâu dài để việc áp dụng mức phí mới được minh bạch, công bằng và phù hợp với nhu cầu, thu nhập của người dân.
Đơn cử như vấn đề xây dựng phí dịch vụ thoát nước cho từng đối tượng khác nhau chưa được thể hiện rõ trong tờ trình của Sở Xây dựng, trong khi mức xả thải của hộ gia đình so với những đơn vị nhà hàng, gara, doanh nghiệp là thấp hơn rất nhiều, nếu thu phí dịch vụ bằng nhau sẽ gây nên bức xúc trong xã hội.
Ngoài ra, ông Sơn cũng lo ngại hiện thành phố đang khuyến khích người dân sử dụng nước sạch, giảm khai thác nước ngầm để tránh các hệ lụy về môi trường; việc áp dụng thu phí dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải sẽ làm người dân e dè trong việc sử dụng nước sạch, nhất là ở các khu vực ngoại thành./.