Đề xuất thuê gia công vàng miếng ở nước ngoài
Nhiều ngân hàng đề xuất cho phép doanh nghiệp, tổ chức tín dụng sản xuất vàng miếng được thuê sản xuất, gia công vàng miếng ở nước ngoài.
Thuê gia công vàng miếng ra sao?
Tại bảng tổng hợp góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định 24, các ngân hàng ACB, Eximbank, BIDV, Vietinbank, MBBank đề nghị bổ sung quy định về thuê gia công sản xuất vàng miếng.
Theo đó, các ngân hàng đề nghị bổ sung, các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được cấp giấy phép nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu được phép thuê gia công sản xuất vàng miếng tại doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép sản xuất vàng miếng.
Các tổ chức tín dụng đề nghị Ngân hàng Nhà nước làm rõ khái niệm hoạt động "sản xuất vàng miếng" là doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được cấp giấy phép sản xuất vàng miếng (bên được cấp phép) phải trực tiếp sản xuất vàng miếng hay có thể thuê hoặc giao cho doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác để sản xuất ra vàng miếng và bên được cấp phép vẫn chịu trách nhiệm đối với việc sản xuất vàng miếng này.

Các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại chịu hoàn toàn trách nhiệm về vàng miếng do mình sản xuất.
Các ngân hàng đề xuất cho phép doanh nghiệp, tổ chức tín dụng sản xuất vàng miếng được thuê sản xuất, gia công vàng miếng ở nước ngoài.
Giải trình về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cho biết Điều 178 Luật Thương mại 2005 quy định "gia công trong thương mại là hoạt động thương mại... để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặtgia công để hưởng thù lao".
Dự thảo Nghị định quy định các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại được phép sản xuất vàng miếng có trách nhiệm: Công bố tiêu chuẩn áp dụng, khối lượng, hàm lượng của sản phẩm theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn khối lượng, hàm lượng sản phẩm đã sản xuất đúng với tiêu chuẩn khối lượng, hàm lượng đã công bố. Đồng thời, chịu hoàn toàn trách nhiệm về sản phẩm vàng miếng do mình sản xuất, bảo hành sản phẩm vàng miếng cho khách hàng theo quy định pháp luật; lưu trữ đầy đủ, chính xác dữ liệu vàng miếng được sản xuất.
Như vậy, các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại chịu hoàn toàn trách nhiệm về vàng miếng do mình sản xuất, thuê gia công và phải công bố tiêu chuẩn áp dụng, khối lượng, hàm lượng vàng miếng do mình sản xuất, thuê gia công.
Quan tâm chất lượng vàng
Các ngân hàng HDBank, Vietinbank, BIDV, Techcombank cũng đề xuất bổ sung, quy định có trung tâm kiểm định chất lượng vàng độc lập để đảm bảo đồng bộ chất lượng vàng miếng trong giao dịch; quy định cho phép bên thứ ba có năng lực được tham gia kiểm định chất lượng vàng miếng (trọng lượng, hàm lượng…) do doanh nghiệp được phép sản xuất.
Quy định cụ thể các nội dung bao gồm: Bộ tiêu chuẩn chất lượng, hướng dẫn kiểm định chất lượng, cần có tiêu chuẩn chung cho cả thị trường về khối lượng, hàm lượng vàng miếng từ cơ quan quản lý nhà nước để các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng sản xuất vàng miếng áp dụng…
Ngân hàng Nhà nước cho biết dự thảo Nghị định sửa đổi 24 quy định trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện ban hành tiêu chuẩn quốc gia đối với vàng trang sức, mỹ nghệ và vàng miếng; kiểm tra và quản lý chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ, vàng miếng và vàng nguyên liệu trong sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường; kiểm định phương tiện đo lường của các doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tổng hợp, kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại Thông tư 22/2013 để tổ chức kiểm định hàm lượng vàng miếng và vàng nguyên liệu.
Tại bảng tổng hợp góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định 24, Hiệp hội Kinh doanh vàng và Tập đoàn Doji đề nghị không nên bổ sung tổ chức tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại tham gia sản xuất, kinh doanh vàng miếng. Nguyên nhân là nếu tổ chức tín dụng được thực hiện hoạt động “sản xuất” sẽ mâu thuẫn và không phù hợp với quy định tại Luật các tổ chức tín dụng.
Giải trình, Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc cấp phép cho các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại tham gia sản xuất, kinh doanh vàng miếng là cần thiết trong giai đoạn hiện nay đảm bảo cho thị trường vàng cạnh tranh, công khai, minh bạch hơn và đã được Ngân hàng Nhà nước giải trình cụ thể tại các báo cáo, tờ trình gửi lấy ý kiến rộng rãi.
Ngân hàng Nhà nước cho biết đang bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư về việc xóa bỏ cơ chế độc quyền nhà nước về sản xuất vàng miếng một cách có kiểm soát trên nguyên tắc Nhà nước vẫn quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng, dự thảo quy định các điều kiện cấp phép sản xuất vàng miếng với mục tiêu lựa chọn các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại có đủ năng lực tài chính, tuân thủ pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng để thực hiện việc sản xuất vàng miếng.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/de-xuat-thue-gia-cong-vang-mieng-o-nuoc-ngoai-post1760059.tpo