Đề xuất tổ chức ngày bầu cử sớm
Tại phiên thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận – Bố Thị Xuân Linh đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ dự án luật, thể hiện sự nghiêm túc, công phu và bám sát định hướng từ Hiến pháp năm 2013 cũng như các nghị quyết Trung ương.
Đại biểu nhận định, việc sửa đổi các quy định trong luật nhằm phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp là cần thiết và đúng hướng. Dự thảo cũng đã điều chỉnh các bước, quy trình trong tổ chức bầu cử để đảm bảo tính khả thi, dân chủ và minh bạch. Đặc biệt, việc đề xuất tổ chức ngày bầu cử sớm hơn – vào ngày 15/3/2026 – được đại biểu đánh giá là hợp lý, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đảm bảo tiến độ triển khai mô hình tổ chức bộ máy mới.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ.
Tham gia ý kiến cụ thể về dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (Điều 9): Dự thảo giữ tỷ lệ tối thiểu 35% là phụ nữ và để mở tỷ lệ người dân tộc thiểu số theo tình hình cụ thể của từng địa phương như quy định của Luật hiện hành. Việc này phù hợp với thực tiễn đa dạng của từng địa phương, tuy nhiên đại biểu thấy rằng việc không quy định rõ (lượng hóa) ngưỡng tối thiểu rõ ràng tỷ lệ người dân tộc thiểu số có thể dẫn đến thiếu thống nhất trong thực tiễn triển khai thực hiện, đặc biệt ở những nơi có đông đồng bào dân tộc; do đó cần quy định theo hướng lượng hóa mức tối thiểu người dân tộc thiểu số giới thiệu để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, ví dụ như: Quy định đối với các địa phương có từ 30% dân số là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ ứng cử viên là người dân tộc thiểu số trong danh sách chính thức không được thấp hơn 20%.
Còn đại biểu Trần Hồng Nguyên – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận lưu ý rằng việc sửa đổi lần này làm thay đổi một số quy trình, thủ tục bầu cử và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương và Mặt trận Tổ quốc các cấp. Do đó, trong hồ sơ cần bổ sung ý kiến của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để hoàn chỉnh.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận – Bố Thị Xuân Linh thảo luận tại tổ.
Đại biểu cũng nhất trí với quy định tại Điều 11 về khu vực bỏ phiếu, phù hợp với việc tổ chức lại mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Tuy nhiên, nội dung “trong trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh có quyền điều chỉnh khu vực bỏ phiếu” cần được quy định cụ thể hơn về mốc thời gian và cách thức thực hiện để có đủ căn cứ triển khai. Trong bối cảnh dự kiến tổ chức bầu cử sớm hơn nhiệm kỳ trước, cần đảm bảo quy định có tính khả thi.
Bên cạnh đó, về quy định số lượng nữ ứng cử đại biểu Quốc hội do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề xuất, đại biểu cho rằng nên chỉnh lý theo hướng giao Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đảm nhận, vì theo dự kiến sửa đổi Hiến pháp, các tổ chức chính trị – xã hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ sẽ là tổ chức thành viên của Mặt trận. Quy định như vậy sẽ phù hợp hơn về chức năng, nhiệm vụ và đảm bảo tính bao quát.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/de-xuat-to-chuc-ngay-bau-cu-som-130153.html