Đề xuất tới 393 dự án phục hồi kinh tế, yêu cầu chịu trách nhiệm toàn diện
Bộ KH&ĐT yêu cầu các bộ ngành, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo.
Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái về rà soát danh mục các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ KH&ĐT cũng vừa có văn bản gửi các bộ ngành và địa phương liên quan thực hiện yêu cầu này với những dự án đã đề xuất.
Phó Thủ tướng yêu cầu các nhiệm vụ, dự án trong chương trình phải bảo đảm phù hợp với nguyên tắc, tiêu chí quy định tại nghị quyết số 43 của Quốc hội và danh mục nhiệm vụ, dự án đã báo cáo Quốc hội tại Báo cáo số 01 của Chính phủ.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh: Kiên quyết bảo đảm nguyên tắc bố trí vốn có trọng tâm, trọng điểm, tập trung đầu tư vào một số dự án trọng điểm có sức lan tỏa và cấp bách để hoàn thành sớm, tạo ra không gian và động lực mới; Dứt khoát không bố trí dàn trải, chia đều, manh mún, không đưa vào danh mục các dự án chưa đúng quy định, chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung và số liệu báo cáo, đề xuất.
Để đảm bảo nguyên tắc chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ KH&ĐT yêu cầu các bộ ngành, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng, Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm toán về danh mục dự án, tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo.
Với danh mục dự án đã đáp ứng các nguyên tắc nêu trên, trong trường hợp mức vốn bố trí thấp hơn so với dự kiến tổng mức đầu tư, Bộ KH&ĐT yêu cầu các bộ ngành và địa phương phải có cam kết bố trí số vốn còn thiếu để đảm bảo hoàn thành dự án theo quy định.
Bộ này cũng yêu cầu báo cáo, giải trình rõ lý do bổ sung với những dự án, nhiệm vụ được thay đổi thông tin, số liệu so với báo cáo trước đó của Chính phủ. Việc giải trình phải đảm bảo tính thuyết phục và khả thi với từng dự án.
Trước đó, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tổng hợp danh mục và mức vốn dự kiến bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ KH&ĐT tư cho biết, Quốc hội đã cho phép tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách tối đa là 176.000 tỷ đồng.
Trong đó, có 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất ở mức 2%/năm cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Còn lại 136.000 tỷ đồng sẽ phân bổ cho các bộ ngành, địa phương theo các nhiệm vụ, dự án đề xuất.
Hiện, các bộ ngành, địa phương đã đề xuất 393 nhiệm vụ và dự án (tăng 127 dự án so với báo cáo trước đó) với tổng vốn 135.665 tỷ đồng, bằng 97,75% số vốn được Quốc hội cho phép phân bổ.
Trong đó, 87.430 tỷ đồng dự kiến được dành để thực hiện 4 dự án quan trọng quốc gia là cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Các dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng chưa hoàn thiện đầu tư; 2 dự án nhóm A là cao tốc An Hữu - Cao Lãnh và dự án cầu Đại Ngãi....