Đề xuất ưu đãi thuế vượt trội cho doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ

Trong khuôn khổ kỳ họp Quốc hội ngày 12/5, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi, với nhiều đề xuất đáng chú ý nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong khu vực doanh nghiệp.

Theo dự thảo luật, khoản 4 quy định rõ các loại thu nhập được miễn thuế TNDN, bao gồm: thu nhập từ thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; thu nhập từ bán sản phẩm được tạo ra từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam. Thời gian miễn thuế được đề xuất tối đa không quá 3 năm.

Bà Phạm Thị Thanh Mai - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Bà Phạm Thị Thanh Mai - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan ngại về tính giới hạn của mức ưu đãi này. Bà Phạm Thị Thanh Mai - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng thời hạn ưu đãi ba năm là chưa đủ để tạo động lực đầu tư trong các lĩnh vực cần thời gian nghiên cứu lâu dài như chuyển đổi số, y tế, dược phẩm, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo. Bà đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế lên 5 năm đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Duy Minh - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng nhấn mạnh rằng chu kỳ đầu tư vào khoa học công nghệ, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao như năng lượng tái tạo, bán dẫn hay AI, thường kéo dài từ 5 đến 10 năm.

Do đó, việc giới hạn ưu đãi thuế trong 3 năm là chưa tương xứng với nhu cầu thực tiễn và khó khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dài hạn.

Bên cạnh đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế, các đại biểu cũng kiến nghị mở rộng phạm vi ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản thu từ hoạt động chuyển nhượng, góp vốn hoặc quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, cũng như đối với các dự án tự nghiên cứu triển khai của doanh nghiệp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, sản xuất bền vững và công nghệ thân thiện với môi trường cũng được đề xuất đưa vào diện hưởng ưu đãi thuế, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững.

Một điểm nổi bật khác trong dự thảo là đề xuất cho phép doanh nghiệp được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm để thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Riêng đối với doanh nghiệp nhà nước, ngoài quy định chung, còn phải tuân thủ mức trích tối thiểu theo luật chuyên ngành.

Tuy nhiên, trong thời hạn 5 năm kể từ khi trích lập, nếu quỹ không được sử dụng, sử dụng không quá 70% hoặc không đúng mục đích, phần thu nhập đã trích lập sẽ bị truy thu thuế, bao gồm cả phần lãi phát sinh.

Bà Phạm Thị Thanh Mai đề xuất Chính phủ cần xác định rõ danh mục ngành nghề, lĩnh vực được ưu tiên sử dụng quỹ, bảo đảm gắn với chiến lược phát triển khoa học công nghệ quốc gia và các ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo đảm sự linh hoạt trước tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ.

Trong khi đó, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng – cho rằng mức trích tối đa 10% chưa phản ánh đúng thực tế của từng ngành nghề. Bà kiến nghị nâng tỷ lệ trích lập lên 15% đối với doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp khởi nghiệp, để khuyến khích đầu tư mạnh mẽ hơn vào R&D và đổi mới sáng tạo.

Bà cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc cho phép chuyển phần quỹ chưa sử dụng hết sang các năm sau mà không bị truy thu thuế, đồng thời đề xuất thiết lập cơ chế giám sát nghiêm ngặt nhằm phòng ngừa việc sử dụng quỹ sai mục đích hoặc lãng phí, tham nhũng.

Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi sẽ tiếp tục được Quốc hội thảo luận tại hội trường vào ngày 12/5 và dự kiến sẽ được thông qua trong phiên họp ngày 13/6 tới.

HT

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/de-xuat-uu-dai-thue-vuot-troi-cho-doanh-nghiep-dau-tu-vao-khoa-hoc-cong-nghe-317763.html