Đề xuất Ủy ban Nhân dân cấp xã quyết định việc thành lập khu vực bỏ phiếu mà không cần cấp trên phê chuẩn
Ngày 12/5, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Bà Nguyễn Thanh Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội báo cáo trước Quốc hội (Ảnh: Quang Vinh)
Trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, bà Nguyễn Thanh Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật được tiến hành trên cơ sở thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tổ chức lại các đơn vị hành chính; kế thừa kết quả nghiên cứu một số nội dung phù hợp của Đề án đổi mới cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; kết quả tổng kết thi hành Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và tổng kết công tác bầu cử thực tiễn 2 khóa gần đây, góp phần chuẩn bị kịp thời phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2026-2031.
Sửa đổi các quy định liên quan đến việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp, theo đó dự thảo Luật lược bỏ toàn bộ các quy định có nội dung liên quan đến: Hội đồng nhân dân cấp huyện; đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp huyện; các tổ chức phụ trách bầu cử cấp huyện; đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; trường hợp huyện không có đơn vị hành chính xã, thị trấn; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện và hội nghị hiệp thương ở cấp huyện.
Cụ thể, Luật hiện hành quy định việc xác định khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định và được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê chuẩn (khoản 4 Điều 11). Trong điều kiện hiện nay không thực hiện mô hình cấp huyện, để tăng quyền chủ động phân cấp trách nhiệm cho các địa phương, dự thảo Luật đề xuất quy định Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định việc thành lập khu vực bỏ phiếu mà không cần cấp trên phê chuẩn, vì sau khi tổ chức lại đơn vị hành chính, số lượng đầu mối cấp xã trực thuộc cấp tỉnh sẽ tăng lên rất nhiều.
Do đó việc giao cấp tỉnh phê chuẩn sẽ tăng nhiều thủ tục hành chính, tầng nấc trong triển khai công tác bầu cử ở địa phương, tăng khối lượng công việc quá nhiều cho cấp tỉnh. Tuy nhiên, để bảo đảm trách nhiệm và sự kiểm soát của cấp trên trực tiếp, dự thảo quy định “Trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh việc xác định khu vực bỏ phiếu”. Mặt khác, với những nội dung sửa đổi Luật lần này, việc phân chia, xác định khu vực bỏ phiếu về cơ bản có thể kế thừa kết quả xác định khu vực bỏ phiếu từ các cuộc bầu cử ở các nhiệm kỳ trước, để đảm bảo tính ổn định, tránh phát sinh, biến động không cần thiết.
Quy định số lượng thành viên của Ủy ban bầu cử ở cấp xã (khoản 2 Điều 22) là “từ 9 đến 15 thành viên” thay cho “từ 9 đến 11 thành viên” như quy định hiện hành vì số lượng tổ bầu cử ở cấp xã có thể tăng lên do sáp nhập nhiều đơn vị hành chính cấp xã thành một đơn vị hành chính cấp xã mới (các tổ bầu cử có thể vẫn giữ phạm vi, quy mô như kỳ bầu cử trước).
Luật hiện hành đang quy định các hội nghị hiệp thương ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thành phần đại diện Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện (các điều 39, 44, 49). Dự thảo Luật đề xuất ở các hội nghị này sẽ có thành phần đại diện Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã trực thuộc tham dự thay cho thành phần cấp huyện như hiện nay.
Bên cạnh đó, sửa đổi các quy định liên quan đến việc điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử. Dự thảo Luật dự kiến quy định từ thời điểm cuối cùng nộp hồ sơ ứng cử đến ngày diễn ra bầu cử là 42 ngày (Luật hiện hành đang quy định là 70 ngày).
Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản có nội dung liên quan đến công tác bầu cử. Qua rà soát, tổng kết thực tiễn từ một số cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân trong thời gian vừa qua, nhận thấy xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần sớm được tháo gỡ, sửa đổi; đồng thời kết hợp kết quả nghiên cứu tại Đề án đổi mới cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp của Đảng đoàn Quốc hội (tên gọi trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy).
Sửa đổi nội dung Điều 65 và bổ sung 1 khoản vào Điều 66. Theo đó các hình thức vận động bầu cử được quy định đa dạng hơn, như hình thức trực tiếp, trực tuyến, trực tiếp kết hợp với trực tuyến nhằm mở rộng hình thức, tăng cường sự tương tác giữa người ứng cử và cử tri và kịp thời ứng phó nếu xảy ra thiên tai, dịch bệnh, tình huống đột xuất trong thời gian tổ chức bầu cử.
Thẩm tra vấn đề trên, ông Dương Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện – Giám sát của Quốc hội cho hay, đa số ý kiến trong Ủy ban Dân nguyện – Giám sát tán thành với việc giao Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định việc xác định khu vực bỏ phiếu nhằm tăng tính chủ động cho cấp xã.
Tuy nhiên, theo ông Bình: Theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật hiện hành, mỗi đơn vị bầu cử chia thành các khu vực bỏ phiếu, mỗi khu vực bỏ phiếu có từ ba trăm đến bốn nghìn cử tri; việc xác định khu vực bỏ phiếu là nội dung rất quan trọng, bảo đảm sự thuận lợi cho người dân trong khu vực thực hiện quyền bầu cử, nếu không có sự kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ có thể sẽ dẫn đến tình trạng tùy nghi, tùy tiện trong việc sắp xếp số lượng cử tri đi bầu để xác định khu vực bỏ phiếu, dễ dẫn đến sai sót, vi phạm trong bầu cử. Do đó, đề nghị nghiên cứu làm rõ ngay trong Điều luật về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc xác định khu vực bỏ phiếu.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định Ủy ban nhân dân cấp xã thống nhất với người đứng đầu các đơn vị có thể thành lập khu vực bỏ phiếu riêng để quyết định việc xác định khu vực bỏ phiếu.