Đề xuất xây cầu Cần Thơ 2 với tổng vốn gần 19.800 tỉ đồng
Dự án cầu Cần Thơ 2 sẽ đóng vai trò then chốt, tạo ra sự kết nối đồng bộ giữa 2 tuyến cao tốc huyết mạch TP HCM - Cần Thơ và Cần Thơ - Cà Mau.
Ngày 29-4, theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về kết quả nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn 2 đầu cầu.
Dự án có điểm đầu kết nối với tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ tại nút giao Chà Và (tỉnh Vĩnh Long); điểm cuối kết nối với tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau tại nút giao IC2.
Tổng chiều dài dự án khoảng 14,65 km, trong đó phần đường dẫn vào cầu phía Vĩnh Long dài 8,38 km; phần cầu chính và nhịp dẫn dài 2,75 km; phần đường dẫn và cầu phía Cần Thơ dài 3,52 km.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề xuất xây dựng cầu Cần Thơ 2 vượt luồng chính sông Hậu có khổ thông thuyền rộng 300 m; bề rộng mặt cầu đáp ứng quy mô hoàn chỉnh 4 làn xe cơ giới rộng 24,75 m; dự kiến nhịp chính bằng kết cấu cầu dây văng, sử dụng riêng cho đường bộ cao tốc.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề xuất nghiên cứu đầu tư theo 2 phương án:
Phươngán 1: Đường sắt đi riêng, không đi chung với đường bộ, chiều dài nhịp cầu chính 550m. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 19.782 tỉ đồng.
Phương án 2: Đường sắt đi chung đường bộ, chiều dài nhịp cầu chính 550 m. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 27.494 tỉ đồng.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị lựa chọn phương án 1, thời gian thực hiện dự kiến từ 2026-2029, đồng bộ với tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cũng sẽ đi vào hoạt động từ năm 2026.
Với tầm nhìn chiến lược, việc đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 sẽ kết nối đồng bộ các tuyến cao tốc lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, logistics, du lịch của cả vùng ĐBSCL. Đây thực sự là dấu mốc đáng kỳ vọng trong hành trình hoàn thiện mạng lưới giao thông hiện đại cho vùng đất giàu tiềm năng.